Nói quá trong việc quảng cáo công dụng?
Trên trang web bán sản phẩm của công ty HCT – đơn vị sản xuất máy Bkozone, những dòng giới thiệu, quảng cáo được đưa ra rất phong phú với nhiều tác dụng như: khử sạch 99% các loại thuốc trừ sâu, 100% các loại vi khuẩn gây bệnh tiêu chảy, bệnh ngoài da, vi rút viêm gan B, vi rút yếm khí, vi rút gây bệnh trong nước, làm nước súc miệng, loại bỏ vi khuẩn gây gây viêm họng, các tế bào chết…Tuy nhiên, chính đại diện của doanh nghiệp cũng bày tỏ sự ngạc nhiên trước thông tin quảng cáo này.
Lời quảng cáo máy sục khí Bkozone có thể loại bỏ 99% các hóa chất và vi khuẩn
Trước những thắc mắc về lời quảng cáo này, Đại diện Công ty HCT đã đưa ra các "bằng chứng" chứng minh công dụng của máy sục khí Ozone là các bản test thử do Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng chứng nhận máy khử trùng ozone có khả năng tiêu diệt các vi sinh, vi khuẩn, một số hóa chất có trong thực phẩm. Ngoài ra, công ty HCT cũng đưa ra kết quả khả năng diệt khuẩn Coliform và khử hóa chất Deltamenthrin trong nước sinh hoạt của máy sục ozone được cấp bởi Viện kiểm nghiệm Vệ sinh An toàn thực phẩm Bộ Y tế.
Mặc dù được chứng thực diệt được vi khuẩn nhưng việc khử được 99% hóa chất thì những giấy tờ của công ty HCT không đủ thuyết phục. Văn bản mà công ty đưa ra mới chỉ chứng nhận test 3 chất độc hại có trong thuốc trừ sâu là Cypermethrin, Permethirin và Deltamethrin với hiệu suất phân hủy là 90%. Để đạt được hiệu suất phân hủy như vậy thì cần có môi trường thử, không thể đảm bảo rằng môi trường thử đạt được hiệu suất trên 90% trong bản test liệu có giống với môi trường bên ngoài hay không.
Ngoài ra, những giấy tờ chứng minh mà công ty HCT đưa ra vẫn chưa thể giải thích được lý do tại sao công ty dám khẳng định máy sục khí ozone có khả năng phân hủy 99% hóa chất độc hại có trong rau thịt. Bởi có đến hơn 1600 hoạt chất trong thuốc bảo vệ thực vật mà máy ozone chưa được kiểm nghiệm.
99% chỉ là một con số
Trước các luồng thông tin cho rằng máy sục khí Ozone không có tác dụng làm sạch thực phẩm, phân hủy các chất bảo vệ thực vật và diệt vi khuẩn, Công ty cổ phần Đầu tư và Ứng dụng công nghệ cao HCT– công ty sản xuất máy sục khí Bkozone đã tổ chức một buổi tọa đàm với sự tham dự của 5 vị giáo sư trong các ngành hóa học, vật liệu. Nội dung buổi tọa đàm đã thu hút rất nhiều sự quan tâm của người dân và truyền thông.
GS Nguyễn Hoàng Nghị - Nguyên Phó Viện trưởng Viện Vật lý kỹ thuật, ĐH Bách khoa Hà Nội, "cha đẻ" của máy sục khí Bkozone nhận định: "Con số 99% không nói lên được điều gì cả. Đặt vào trường hợp nếu chúng ta chỉ có 100 con khuẩn ecoli thì diệt được 99% là rất tốt, nhưng trong trường hợp có cả triệu con thì 99% đó chưa đủ sạch. Về việc quảng cáo ozone có thể phân hủy được 99% các hóa chất trong thực phẩm thì tôi nghĩ phải nói là giảm độc tới 99% trên hóa chất nào đó thì đúng hơn. Nhìn chung, con số này không thể nói lên được điều gì".
Chưa có bằng chứng nào khẳng định máy sục ozone loại được 99% hóa chất có trong rau củ
Cha đẻ của máy sục khí Bkozone cũng khẳng định rằng máy sục khí ozone dùng để khử vi khuẩn do tính oxy hoá của khí ozone. Ông đưa ra lời khuyến cáo người dân không nên sử dụng máy ozone để sục cho thịt tươi, chỉ nên dùng ozone để khử mùi cho thịt ôi, cá ươn để khử bớt mùi và chỉ sục khoảng 5 phút vì khử lâu miếng thịt sẽ không còn tốt.
Ngoài ra, khi được hỏi về việc tại sao khi cho miếng thịt vào sục khí ozone lại có bọt bẩn nổi lên, GS Nguyễn Hoàng Nghị cho biết ozone tương tác với protein trong thịt sinh ra rất nhiều chất khác nhau. Các hợp chất đó làm thay đổi sức căng bề mặt nước tạo ra các bọt như xà phòng. Có nghĩa là lớp bọt đó không liên quan nhiều tới chất phôi ra (hóc môn tăng trưởng, chất bảo quản) trong thịt.
Tại buổi tọa đàm, GS. Trần Vĩnh Diệu, Hội đồng Khoa học Thành phố Hà Nội cũng cho biết: "Ozone trong sinh hoạt chủ yếu là khử trùng cho rau và hoa quả. Không thể phân hủy được chất trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật".
GS Trần Vĩnh Diệu cho biết ozone trong sinh hoạt chủ yếu khử trùng cho rau và hoa quả
Hầu hết các giáo sư, tiến sĩ có mặt tại buổi tọa đàm đều khuyên người tiêu dùng trước tiên phải mua thực phẩm sạch, rõ nguồn gốc. Không nên vì chủ quan có máy ozone mà lựa chọn những loại thực phẩm không rõ nguồn gốc.
GS.TSKH Trần Vĩnh Diệu đưa ra lời khuyên, để bảo vệ sức khoẻ, mỗi người có cách lựa chọn để tránh ô nhiễm: "Ngoài sử dụng máy ozone thì trong bữa ăn hàng ngày, rau không thể chọn tùy tiện. Không nên chủ quan nếu biết thức ăn bị ô nhiễm vẫn mang về sục ozone, phải mua rau sạch, thức ăn sạch trước. Khi làm sạch thực phẩm, đặc biệt là rau quả, phải có lựa chọn chứ không phải chọn rau không an toàn và về xử lý bằng máy ozone là xong".
Như vậy, dù đã phải bỏ tiền ra để mua một sản phẩm mang lại sự an tâm thì người tiêu dùng lại một lần nữa thât vọng vì lại được khuyên rằng chỉ có thể tin vào "sự thông thái" của chính bản thân mình.
* Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam!