Tổng khẩu phần ăn trong một bữa được các chuyên gia khuyến cáo là không nên vượt quá kích thước của 2 bàn tay, đối với nam và 1 bàn tay, đối với nữ giới.
Protein là một thành phần rất quan trọng trong bữa ăn, dưỡng chất này tham gia vào việc xây dựng các cấu trúc trong cơ thể, tạo ra tế bào mới, chức năng miễn dịch và cả hormone… Các thực phẩm giàu protein là thịt, cá, trứng, sữa và thực vật họ đậu. Trung bình, kích thước của các thành phần cung cấp đạm trong món ăn nên vừa bằng lòng bàn tay của bạn.
Có đến khoảng 65% năng lượng cung cấp cho cơ thể đến từ Carbohydrates. Các loại thực phẩm giàu tinh bột như bánh mì, ngũ cốc, khoai tây chính là nguồn Carbohydrates chủ chốt trong mâm cơm. Theo các chuyên gia dinh dưỡng, thực phẩm giàu tinh bột trong mỗi bữa ăn nên có kích thước bằng khoảng 1 nắm đấm (đối với cơm), đối với mì, bánh mì có thể nhiều hơn, sẽ đảm bảo cung cấp vừa đủ năng lượng mà cơ thể cần và không khiến bạn bị tăng cân.
Nên hạn chế việc nạp chất béo vào cơ thể, để ngăn ngừa các bệnh lý, đặc biệt là về tim mạch. Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa là chúng ta hoàn toàn không ăn dầu mỡ, bởi chúng có nhiều dưỡng chất thiết yếu mà cơ thể cần. Chất béo giúp cung cấp năng lượng, tham gia vào cấu trúc cơ thể, điều hòa hoạt động, bảo vệ cơ thể trước những thay đổi về nhiệt độ. Bên cạnh đó, chất béo trong bữa ăn còn đóng vai trò hấp thụ và vận chuyển các vitamin tan trong mỡ như A, D, E, K. Khẩu phần ăn cần có sự phối hợp cân đối giữa mỡ động và và dầu thực vật, bởi mỗi loại có một đặc trưng riêng và không thể thay thế hoàn toàn cho nhau. Theo các chuyên gia dinh dưỡng, lượng chất béo trong khẩu phần ăn hàng ngày không nên vượt quá kích thước của 1 đốt ngón tay.
Rau-Củ-Quả cung cấp cho cơ thể rất nhiều chất xơ, vitamin và khoáng chất. Ăn nhiều rau của quả giúp kiểm soát cân nặng, cải thiện thị lực, hỗ trợ hệ tiêu hóa, giảm cholesterol, phòng ngừa các bệnh về tim mạch và thậm chí là cả ung thư. Lượng thực phẩm từ thực vật nên đầy 2 lòng bàn, đối với đàn ông và 1 lòng bàn tay, đối với phụ nữ.
Đồ tráng miệng, bánh kẹo ngọt, mứt chứa rất nhiều đường. Chính vì vậy, dù ngon miệng đến đâu, bạn cũng không nên ăn quá nhiều nhóm thực phẩm này cùng một lúc, bởi có thể gây ra các vấn đề liên quan đến chuyển hóa đường trong cơ thể. Đối với kẹo, chocolate, mứt chỉ nên ăn lượng bằng khoảng 1 ngón tay cái cho mỗi bữa. Đối với các món tráng miệng khác như bánh bông lan hay kem lượng ăn phù hợp không nên vượt quá một nắm tay của bạn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!