Bệnh sa sút trí tuệ do những rối loạn ảnh hưởng đến não bộ gây ra khiến cho người cao tuổi suy giảm khả năng nhận thức và mất khả năng thực hiện các hoạt động hàng ngày. Đối với phụ nữ trung niên, các bài tập chuyên sâu không những giúp cải thiện hoạt động tim mạch mà còn rất có ích cho bộ não để phòng ngừa nguy cơ mắc bệnh.
Mới đây, các nhà nghiên cứu Thụy Điển đã tổng kết số liệu khảo sát đối với gần 200 phụ nữ trung niên nước này và nhận thấy 90% số phụ nữ trung niên thường xuyên tập các bài tập tim mạch đã cải thiện được tình trạng lão hóa bộ não khi về già. Phát hiện này vừa được công bố ngày 14/3/2018 trên tạp chí Thần kinh học của Viện hàn lâm khoa học thần kinh Mĩ. Nghiên cứu còn ghi nhận rằng những phụ nữ trung niên thường xuyên tập thể dục thì khi về già có dấu hiệu sa sút trí tuệ chậm hơn 11 năm so với những phụ nữ ít tập. Một trong những điểm mạnh khiến kết quả nghiên cứu này đáng tin cậy là các đối tượng nghiên cứu được theo dõi trong thời gian rất dài, có người được theo dõi từ khi 38 tuổi cho đến lúc 82 tuổi.
Tác giả chính của nghiên cứu, bà Helena Horder- Chuyên gia nghiên cứu của Trung tâm Lão khoa và Sức khỏe, thuộc Trường Đại học Gothenburg, Thụy Điển cho biết các bài tập tim mạch cường độ cao có khả năng giảm nguy cơ mắc bệnh sa sút trí tuệ khi về già, nói cách khác thì tim mạch tốt sẽ giúp cho bộ não khỏe mạnh.
Các nhà nghiên cứu không đi sâu tìm hiểu mối quan hệ nguyên nhân – kết quả giữa luyện tập tim mạch và giảm nguy cơ sa sút trí tuệ, nhưng họ cho rằng có thể việc tập luyện thường xuyên và với cường độ cao mang lại lợi ích là giảm các nhân tố nguy cơ bệnh tim mạch, điều chỉnh trọng lượng cơ thể phù hợp và sản sinh ra thành phần mỡ máu tốt hơn. Các bằng chứng cũng cho thấy tập thể dục tim mạch có thể tác động trực tiếp lên cấu trúc não bộ, nhờ đưa máu lên não tốt hơn.
Theo Chuyên gia Horder, bệnh sa sút trí tuệ ở người cao tuổi hiện chưa có thuốc chữa, các nhà khoa học vẫn đang nỗ lực tập trung vào nghiên cứu các hoạt động của con người có khả năng ngăn ngừa và làm chậm quá trình mắc bệnh. Kết quả của nghiên cứu này và nhiều nghiên cứu khác sẽ góp phần xây dựng các bài tập tim mạch phù hợp hơn góp phần tích cực vào ngăn ngừa căn bệnh này.
Trong tương lai, cần có thêm các nghiên cứu bổ sung để xác định xem có phải có phải chỉ riêng các bài tập giữ cho tim mạch khỏe thì sẽ tác động cho bộ não khỏe hay là các bài tập thể dục nói chung tác động lên bộ não khác hẳn và độc lập so với các bài tập tim mạch. Có một điều không thể phủ nhận, đó là “những gì tốt cho trái tim thì cũng tốt cho bộ não.”
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!