Và thậm chí, có những gia đình người nước ngoài với nhiều thế hệ đã chọn gắn bó và cống hiến cho sự giàu đẹp của Thủ đô.
Ông George Burchett - họa sĩ người Australia - trải lòng: "Cầu Long Biên có ý nghĩa đặc biệt với bản thân tôi. Đó là nơi cách đây 70 năm, cha tôi đã cùng đoàn quân vào tiếp quản Thủ đô và ghi lại những hình ảnh rất thiêng liêng và ý nghĩa. Ông đã miêu tả rằng, không ai chứng kiến cuộc đoàn tụ này lại không xúc động bởi tình cảm chan chứa của người Việt. Đó là tình yêu gia đình, và khát vọng đoàn tụ cháy bỏng".
Cha của họa sỹ George Burchett, nhà báo người Australia Wilfred Burchett là phóng viên phương Tây hiếm hoi từng sống cùng với bộ đội Việt Nam tại chiến khu Việt Bắc và chiến trường miền Nam trong hai cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ. Sau khi đến Hà Nội, ông đã chọn gắn bó ở đây nhiều năm sau đó. Hà Nội cũng là nơi ông có nhiều lần có gặp gỡ và phỏng vấn Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Họa sỹ George Burchett kể: "Tôi cảm thấy tôi có sự kết nối trực tiếp với khoảnh khắc quan trọng này trong lịch sử Việt Nam vì khi cha tôi băng qua cầu và tiến vào Hà Nội. Ông đã quyết định ở lại đây. Và đó cũng chính là lý do tôi sinh ra ở Hà Nội vào tháng 5/1955. Tôi đã lớn lên cùng với nhiều câu chuyện về Bác Hồ, về Việt Nam, về Hà Nội. Tôi cảm thấy như cuộc sống của mình có một sự gắn kết với Việt Nam và đặc biệt là Hà Nội. Điều đó khiến tôi chọn quay trở lại Hà Nội để sinh sống từ năm 2011 đến nay.
Có những gia đình người nước ngoài với nhiều thế hệ đã chọn gắn bó và cống hiến cho sự giàu đẹp của Thủ đô Hà Nội.
Cũng giống như George Burchett, chàng trai nhiếp ảnh gia người Anh - Jack Soloman được truyền lại tình yêu Thủ đô từ những bức ảnh về con người và cảnh quan của Hà Nội. Tác giả của những bức ảnh này là cha anh, nhiếp ảnh gia Andy Soloman, người đã có gần 10 năm sống và làm việc ở Hà Nội.
Anh Jack Soloman chia sẻ: "Dù lớn lên ở Anh, nhưng tôi luôn biết rằng mình muốn quay lại Hà Nội để sinh sống. Nghe tất cả những câu chuyện thú vị của bố kể và nghe về những con người thú vị ông đã gặp cũng như những điều hấp dẫn mà ông ghi lại qua các bức ảnh, tôi cũng muốn tự mình làm điều đó. Kế hoạch của tôi là trong khoảng 50 năm nữa, tôi hy vọng vẫn sống ở đây và có một dự án về ảnh Hà Nội trong nửa thế kỷ, để thấy Thủ đô thay đổi như thế nào".
Cha con hoạ sĩ Burchett hay cha con nhiếp ảnh gia Soloman chỉ là hai trong số rất nhiều gia đình người nước ngoài đã chọn gắn bó với Hà Nội hàng chục năm qua. Có lẽ chính những nét lịch sử, văn hoá độc đáo cùng sự đồng điệu về tâm hồn với người Việt là điều thôi thúc họ đóng góp nhiều hơn cho Thủ đô, để họ coi đây thực sự là quê hương thứ hai của mình.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!