Trăn trở tìm người kế thừa nghề dệt thổ cẩm

Tấn Quỳnh, Phạm Việt-Thứ ba, ngày 30/07/2024 06:31 GMT+7

VTV.vn - Người làng Mỹ Nghiệp, ai cũng nặng lòng với nghề dệt. Nhưng yêu quý là một chuyện còn có theo nghề được hay không thì lại là chuyện khác.

Chỉ những phụ nữ lớn tuổi mới còn gắn bó với khung dệt. Những người trẻ, chẳng mấy ai mặn mà…

Một tấm vải dệt chừng 1 mét, mất đến 3 ngày, bà Trang mới dệt xong. Đây chỉ mới là những hoa văn đơn giản. Còn những hoa văn phức tạp, những hoa văn cổ xưa, để dệt ra một mét vải, không thể tính theo ngày mà phải theo tuần, theo tháng. Đó là chưa nói, không phải ai cũng dệt được. Vậy mà, một tấm vải dệt khi bán ra, chỉ được 200 ngàn đồng.

Bà Ngụy Thị Mỹ Trang (Làng Mỹ Nghiệp, thị trấn Phước Dân, Ninh Phước, Ninh Thuận) chia sẻ: "Thu nhập quá ít, công cán thì quá nhiều nên thế hệ sau không thích làm nữa".

Nghề dệt thổ cẩm truyền thống càng gặp sức ép khi 5 năm trở lại đây, nổ rộ thổ cẩm dệt bằng máy. Chưa kể thổ cẩm dệt bằng máy ở nơi khác, khi đưa đến khách hàng vẫn được cho là thổ cẩm Chăm. Sự nhập nhằng này khiến cho những tấm thổ cẩm mà những nghệ nhân tỉ mỉ dệt ra bị đánh đồng giá trị.

Trăn trở tìm người kế thừa nghề dệt thổ cẩm - Ảnh 1.

Bà Thị Thương (Làng Mỹ Nghiệp, thị trấn Phước Dân, Ninh Phước, Ninh Thuận) lòng nặng trĩu nói: "Dệt tay 3 ngày một tấm, sao so bì với máy dệt một ngày 50-60 mét, nhưng máy ắt phải dở hơn so với tay".

Hợp tác xã Dệt thổ cẩm Chăm Mỹ Nghiệp tìm mọi cách để nghề dệt thu hút người trẻ kế thừa. Nhưng, một khi thu nhập của người dệt thổ cẩm không tương xứng với công sức bỏ ra thì không thể thu hút người trẻ theo nghề. Ước tính, trong làng, hiện chỉ còn hơn 10 gia đình còn theo nghề dệt truyền thống một cách thực thụ.

Ông Phú Văn Ngòi - Giám đốc HTX Dệt thổ cẩm Chăm Mỹ Nghiệp, Ninh Thuận - trăn trở: "Làm sao để hàng của mình đến với thị trường quốc tế để khách nước ngoài, khách thành phố biết thế nào là hàng dệt tay, thế nào là hàng dệt máy thì mới nâng cao giá trị của hàng thủ công".

Phân định rạch ròi giữa thổ cẩm dệt bằng tay với dệt bằng máy để từ đó khẳng định giá trị khác biệt, nâng giá bán - đó là cách để nâng thu nhập cho những nghệ nhân gắn bó với nghề dệt truyền thống. Đây là hướng đi có tính khả thi bởi gần đây, làng dệt Mỹ Nghiệp luôn là địa chỉ tìm đến của du khách khi có mặt ở Ninh Thuận và vẫn có những du khách sẳn sàng bỏ thêm tiền để mua những tấm vải dệt bằng tay.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Từ khóa:

nghề dệt

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước