“Việt Nam, tình yêu của tôi” - Góc nhìn thời cuộc của người lính ngoại quốc

Bảo Linh-Thứ sáu, ngày 13/06/2014 09:18 GMT+7

Cuốn tự truyện này chắc chắn sẽ mang đến những xúc cảm khác lạ cho mỗi người đọc bởi góc nhìn về thời cuộc của một người nước ngoài có tình yêu sâu nặng với Việt Nam.

Việt Nam, tình yêu của tôi là cuốn tự truyện của Ernst Frey - một người Do Thái ở Vienna (Áo) - một đại tá trong Quân đội Nhân dân Việt Nam với cái tên Việt Nam là Nguyễn Dân. Ông đã kể lại chuyện đời mình bằng bút pháp chân thực, đầy ắp sự kiện trong suốt 13 năm sống và chiến đấu tại Việt Nam cùng chính quyền Việt Minh.

Vốn không phải là nhà văn hay nhà báo mà chỉ là một người Do Thái run rủi bị truy đuổi, đẩy ra khỏi quê hương, lại là một quân nhân, Ernst Frey kể lại chuyện đời mình bằng bút pháp chân thực, đầy ắp sự kiện trong suốt một thời gian dài từ đầu những năm 1930 cho đến cuối năm 1950, khi anh rời Việt Nam trở về quê hương sau 13 năm lưu lạc. Đó là một quá trình chuyển biến nhận thức từ một cậu bé hồn nhiên, vô tư cho đến lúc đã trở thành đảng viên cộng sản khi còn khá trẻ, rồi trở thành một người đàn ông chững chạc ở tuổi 37.

Anh từng tuyệt đối tin tưởng vào chế độ cộng sản, vào triết thuyết Mác-Lê Nin, vào Liên Xô. Anh không hề giấu giếm những ưu, khuyết điểm của bản thân, cũng bộc lộ tình cảm và suy nghĩ cá nhân mình đối với một số vị lãnh đạo của Đảng và Nhà nước ta và nhiều vấn đề trọng đại của nước Việt Nam trong những ngày nước sôi lửa bỏng sau Cách mạng tháng Tám hay trong giai đoạn đầu của công cuộc kháng chiến chống Pháp.

Năm 1992, sau vài chục năm đứt đoạn liên lạc, khi có điều kiện nối lại quan hệ với phía Việt Nam, Ernst Frey vẫn dành cho đất nước ta và Đại tướng Võ Nguyên Giáp một tình yêu sâu nặng, thể hiện trong lá thư ông gửi cho đại tướng: “Ở cuối cuộc đời mình, tôi chẳng tin rằng do ngẫu nhiên mà nhận được lá bài hòa giải. Tất cả tình yêu mà tôi dành cho Việt Nam và dân tộc này, ở chừng mực nào đó, tập trung vào cá nhân đồng chí và sự chân thành của đồng chí đã làm tôi vui sướng biết bao. Đối với tôi thì Việt Nam, dẫu có những khó khăn về ngôn ngữ, là quê hương mình mà năm 1950 tôi phải để lại. Đó cũng là đất nước duy nhất mà vì nó, tôi sẵn sàng hy sinh cả máu mình”.

Người thanh niên châu Âu mang cái tên Việt Nam là Nguyễn Dân được Đảng phân công làm nhiều việc khác nhau như ra báo tiếng Pháp, huấn luyện quân sự cho bộ đội ta, làm tuyên truyền viên, vận động cho đợt tổng tuyển cử đầu tiên sau khi nước Việt Nam giành được độc lập, làm phó cho đồng chí Nguyễn Chí Thanh phụ trách Khu 6. Người thanh niên ấy cũng đã từng đóng quân ở thị xã Quảng Ngãi, chỉ huy trận đánh Pháp trên đèo An Khê, được phong hàm Đại tá Quân đội Nhân dân Việt Nam. Nguyễn Dân sau đó ra hoạt động ở Việt Bắc, giữ nhiều chức vụ cao trong chính quyền Việt Minh cho đến ngày ông được Đảng và Chính phủ ta tổ chức hồi hương về Vienna vào tháng 9/1950 và sống cho đến năm 1994 thì mất tại đó.

Cuốn tự truyện Việt Nam, tình yêu của tôi của Ernst Frey đã cung cấp cho người đọc một lượng thông tin đồ sộ, nhiều mặt, khách quan về những biến cố quan trọng trong lịch sử nước ta dưới nhãn quan của một người châu Âu, sau khi anh ấy đã trực tiếp tham gia vào các sự kiện đó. Bởi thế, tự nó, cuốn sách “Việt Nam, Tình yêu của tôi” đã mang một giá trị lịch sử nhất định.

Mời các bạn theo dõi nội dung trên qua video sau đây:

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước