Thánh địa Mỹ Sơn được coi là một trong những trung tâm đền đài chính của Ấn Độ giáo ở khu vực Đông Nam Á và là di sản duy nhất của thể loại này tại Việt Nam.
Người Pháp tìm thấy Thánh địa Mỹ Sơn vào năm 1895 và nơi đây có trên 70 ngôi đền, tháp được tìm thấy. Tất cả được tọa lạc trong một vị trí địa lý phong thủy đặc biệt, giữa lòng chảo thung lũng, xung quanh là vòng tròn núi bao bọc dài khoảng 2km.
Kiến trúc qua bố cục đền tháp mang ảnh hưởng lớn của phong cách Ấn Độ, mỗi tháp đều có một tháp chính ở giữa và nhiều tháp nhỏ bao bọc xung quanh. Gạch được sử dụng phổ biến từ thế kỷ thứ 7 trở đi, đến khoảng cuối thế kỷ thứ 9, kỹ thuật xây dựng đền tháp ở Mỹ Sơn bắt đầu được kết hợp giữa gạch và sa thạch, giúp tổng thể kiến trúc thêm bền vững hơn.
Những ngôi tháp gạch đã không còn được nguyên vẹn nhưng nó cũng là biểu tượng của một thời kỳ rực rỡ của các vương quốc Chăm-pa xưa kia và trở thành một phần thân thuộc trong tâm thức của người dân địa phương.