Anh Bùi Thế Bảo - nhà sáng lập VECA - đã không thành công trong việc thuyết phục các Shark đồng hành cùng ý tưởng mới mẻ. Tuy nhiên, với nhà khởi nghiệp 8X này, VECA không vì những cái lắc đầu mà dừng lại. "Sự hoài nghi từ các Shark là việc mà tôi và VECA cần phải giải quyết để đáp ứng nhu cầu thị trường. Tôi đồng tình với sự nhận xét từ các Shark và coi đó là những góp ý hữu ích cho sự vận hành của VECA” - anh cho biết.
Bùi Thế Bảo là một người được đào tạo chính quy về chuyên ngành môi trường, có thời gian dài làm việc trong lĩnh vực tái chế giấy. Từ kinh nghiệm của mình, anh chia sẻ: “Tôi thấy có hai vấn đề lớn thuộc về môi trường đang tồn tại xung quanh đời sống người dân. Đầu tiên là phân loại rác tại nguồn chưa tốt. Hàng năm Việt Nam phải nhập phế liệu dưới dạng rác để làm nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất trong khi việc phân loại rác tại nguồn chưa tốt dẫn đến lãng phí nguồn nguyên liệu trong nước và gây ra ảnh hưởng đến môi trường. Vấn đề thứ hai là tồn tại nhiều điểm tái chế tự phát. Riêng về ngành công nghệ tái chế nhựa, theo thống kê tôi được biết, năm 2020, Việt Nam chỉ mới thu gom và tái chế dưới 20%. Hơn 80% còn lại hoặc chưa được thu gom để tái chế hoặc đang được xử lý bởi các đơn vị tái chế tự phát. Những nơi này không đảm bảo các điều kiện sản xuất, xử lý môi trường khiến gây ra sự ô nhiễm (nước, đất và khí thải) nặng nề. Số hóa thị trường phế liệu là cơ sở để giải quyết điều đó”.
Anh Bùi Thê Bảo trong chương trình Shark Tank Việt Nam mùa 5 (ảnh: TVHub)
Năm 2022, khi xuất hiện gọi vốn trên Shark Tank Việt Nam, anh Bùi Thế Bảo và cộng sự thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư khi tái hiện cách thức thu mua ve chai truyền thống của những người lao động, từ đó đưa tới câu chuyện về VECA. Ứng dụng giúp người tiêu dùng chủ động về thời gian, minh bạch về giá cả. VECA được xây dựng với kỳ vọng giúp người mua ve chai tăng khối lượng thu mua, tăng đơn hàng, từ đó cuộc sống của họ sẽ ổn định hơn. Ứng dụng này cũng có thể kết nối để đem lại nguồn cung vững chắc hơn cho các thành phần khác của hệ sinh thái tái chế như các đơn vị xử lý hoặc các nhà máy tái chế… VECA khi đó vấp phải nhiều hoài nghi về khả năng sinh lời cũng như tiềm năng phát triển dẫn đến chưa thuyết phục được các Shark cam kết đồng hành. Nhưng theo anh Bùi Thế Bảo, đó đã là câu chuyện của hai năm trước, thời điểm hiện tại, đã có nhiều doanh nghiệp FDI hoặc doanh nghiệp trong nước quan tâm hơn đến lĩnh vực xử lý tái chế, có nhiều tín hiệu tích cực về tầm quan trọng của thị trường tái chế cũng như các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp có hoạt động liên quan về môi trường.
VECA đã và đang nhận được sự hỗ trợ từ doanh nghiệp, các tổ chức hoạt động về môi trường trong nước và ngoài nước như Waste Aid, USAID, Green-Hub, Winrock… và rất nhiều cá nhân để thường xuyên xây dựng các hoạt động nâng cao nhận thức, truyền thông về tái chế, bảo vệ môi trường, mang lại sự thay đổi tích cực trong hành vi của người tiêu dùng.
Hình ảnh trong ngày hội thu gom phế liệu (ảnh: NVCC)
Hướng dẫn sử dụng ứng dụng công nghệ thu gom phế liệu (ảnh: NVCC)
“Có thể nói, cho đến hiện tại, kết quả mà VECA tạo được vẫn còn khiêm tốn ở lĩnh vực thị trường tái chế nói chung” - Bùi Thế Bảo thẳng thắn chia sẻ. Anh cũng cho biết thêm: “Lĩnh vực tái chế vốn dĩ đã có từ rất lâu đời tại Việt Nam, tuy nhiên vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ. Ngành công nghiệp thu gom, tái chế phế liệu/ve chai (rác tái chế) đang phụ thuộc rất nhiều vào nhóm đối tượng phi chính quy. Cần phải có cơ chế, chính sách để đồng hành phát triển với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực tái chế để vừa đảm bảo phát triển xã hội, vừa đảm bảo tính tác động với môi trường ở mức độ quản lý tốt nhất”.
Mô hình vựa VECA ra đời như là điểm thu mua ve chai phế liệu công nghiệp hiệu quả minh bạch và chuyên nghiệp. Vựa kết nối trực tiếp với các trạm xử lý, nhà máy tái chế, thúc đẩy việc phân loại rác thải, thu gom và tái chế trở thành một phần của nền kinh tế tuần hoàn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!