Băn khoăn tư nhân kiểm định chất lượng giáo dục

Hoài Thương-Thứ bảy, ngày 03/04/2021 20:31 GMT+7

VTV.vn - Hai trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục tư thục đầu tiên của cả nước vừa được phép thành lập;,có tư cách pháp nhân, có tài khoản và con dấu riêng theo quy định.

Bộ Giáo dục và Đào tạo ký quyết định cho phép thành lập Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục Sài Gòn trực thuộc Công ty CP Đầu tư Giáo dục TP Hồ Chí Minh và Quyết định thành lập Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục Thăng Long trực thuộc Công ty CP Đầu tư Giáo dục Hà Nội.

TS. Lê Đông Phương, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Giáo dục đại học băn khoăn: "Hai công ty này mới được thành lập tháng 6/2020. Có nghĩa rằng, họ chưa có thời gian đủ lâu để tích lũy kinh nghiệm, có hoạt động liên quan đến giáo dục trước khi mở 2 trung tâm kiểm định giáo dục. Mọi người đang đặt câu hỏi vậy thực lực của họ ở chỗ nào?".

Thắc mắc đó cũng là điều dễ hiểu khi hiện nay, nhân lực cho việc kiểm định chất lượng đào tạo còn rất mỏng, chỉ có 346 người được cấp thẻ kiểm định viên. Theo các chuyên gia, kiểm định không đơn giản chỉ là đưa ra văn bản hay tiêu chí mà quan trọng hơn là khả năng tư vấn để các trường hoạt động tốt hơn.

Băn khoăn tư nhân kiểm định chất lượng giáo dục - Ảnh 1.

"Các trường bản thân cũng là những nơi có trình độ cao, thuyết phục người ta đổi mới cách làm. Điều đó chứng tỏ trung tâm kiểm định phải là một tầm cao hơn hẳn" - TS. Phạm Hiệp, Giám đốc nghiên cứu, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển giáo dục Edlab Asia cho hay.

GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, trưởng Ban đào tạo ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết: "Kiểm định viên chịu rất nhiều áp lực, để đáp ứng được là không nhiều. Ví dụ chọn trưởng các đoàn kiểm định là rất khó khăn, phải là những người đã kinh qua rồi".

Các trường Đại học hiện nay đang được đánh giá theo quy chuẩn của Bộ Giáo dục đào tạo, một số trường lớn đánh giá theo bộ quy chuẩn quốc tế của ĐH Pháp hay Mạng lưới các trường đại học Ðông - Nam Á AUN-QA.

TS. Phạm Hiệp, Giám đốc nghiên cứu, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển giáo dục Edlab Asia nhấn mạnh: "Chúng ta vừa giải quyết số lượng nhưng cũng phải đảm bảo yếu tố chất lượng. Đấy thực sự là việc cần sự đầu tư nghiêm túc của cả hệ thống quản lý nhà nước, cũng như người làm kiểm định và trung tâm kiểm định"

Việt Nam có 460 trường ĐH, CĐ với hàng trăm chương trình đào tạo. Hiện tiến độ triển khai kiểm định chương trình đào tạo theo luật định vẫn chưa được như kỳ vọng. Thử thách và cũng chính là cơ hội để 7 trung tâm kiểm định thể hiện rõ năng lực đánh giá và giúp các trường nâng cao chất lượng. Đó mới là điều tạo ra sự bền vững của bất kỳ trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục nào hiện nay.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước