Quốc hội yêu cầu tăng cường kiểm soát chất lượng, hiệu quả biên soạn, thẩm định SGK

Tạ Hiển-Thứ ba, ngày 17/11/2020 16:20 GMT+7

Bộ sách giáo khoa Cánh Diều. Ảnh: TTXVN

VTV.vn - Quốc hội yêu cầu tiếp tục tập trung đẩy mạnh đầu tư, xã hội hóa giáo dục - đào tạo; tăng cường kiểm soát chất lượng, hiệu quả biên soạn, thẩm định sách giáo khoa...

Tiếp tục đẩy mạnh đầu tư, xã hội hóa giáo dục - đào tạo

Chiều 17/11, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về tiếp tục thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIV và một số nghị quyết trong nhiệm kỳ khóa XIII với tỷ lệ 95,44% (460/464 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành, 2 đại biểu không tán thành, 2 đại biểu không biểu quyết).

Quốc hội yêu cầu tăng cường kiểm soát chất lượng, hiệu quả biên soạn, thẩm định SGK - Ảnh 1.

Theo nội dung Nghị quyết được thông qua, Quốc hội yêu cầu tiếp tục tập trung đẩy mạnh đầu tư, xã hội hóa giáo dục - đào tạo. Tăng cường kiểm soát chất lượng, hiệu quả biên soạn, thẩm định sách giáo khoa; bảo đảm điều kiện về đội ngũ nhà giáo và cơ sở vật chất để thực hiện chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới. Quản lý tốt hoạt động dạy thêm, học thêm.

Tiếp tục triển khai kỳ thi, xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông và tuyển sinh đại học, cao đẳng giai đoạn 2021 - 2025 ổn định, đồng bộ với lộ trình triển khai chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới. Nâng cao chất lượng hoạt động của các Trung tâm giáo dục thường xuyên, Trung tâm học tập cộng đồng.

Sớm ban hành quy định về khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, về hình thành mạng lưới các trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục, về hoạt động khoa học, công nghệ trong cơ sở giáo dục đại học. Đẩy mạnh tự chủ cho các cơ sở giáo dục đại học.

Năm 2021, ban hành khung giá dịch vụ giáo dục - đào tạo của các cơ sở giáo dục công lập, cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập. Ưu tiên đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là người dân tộc thiểu số.

Triển khai đồng bộ các chính sách phát triển giáo dục nghề nghiệp theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp. Sớm ban hành Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021 - 2030; quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đẩy mạnh xã hội hóa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; đến năm 2025, số lượng cơ sở giáo dục nghề nghiệp ngoài công lập đạt tỷ lệ 40%.

Đẩy mạnh chuyển đổi số, chuẩn hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của hệ thống giáo dục nghề nghiệp. Thực hiện các giải pháp hoàn thiện, phát triển thị trường lao động đồng bộ, hiện đại. Tăng cường kết nối cung - cầu lao động; hạn chế tình trạng đào tạo không gắn với nhu cầu của thị trường lao động. Nâng cao chất lượng, hiệu quả và tăng cường quản lý hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Từng bước nghiên cứu, xây dựng cơ sở dữ liệu về lực lượng lao động, việc làm kết nối với các cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, bảo hiểm và đăng ký doanh nghiệp. Tích cực triển khai các hoạt động thúc đẩy đối thoại, thương lượng tập thể, ký kết thỏa ước lao động tập thể thực chất tại nơi làm việc; phát triển quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ. Kiện toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động của các thiết chế hòa giải lao động, trọng tài lao động trong giải quyết tranh chấp lao động. Sớm ban hành chính sách tiền lương hợp lý đối với nhóm đối tượng có mức lương hưu thấp và nghỉ hưu trước năm 1995.

Xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về thủy điện; làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh

Quốc hội yêu cầu tăng cường kiểm soát chất lượng, hiệu quả biên soạn, thẩm định SGK - Ảnh 2.

Đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua các nghị quyết. Ảnh: TTXVN

Bên cạnh đó, Quốc hội cũng yêu cầu tiếp tục tập trung thực hiện một số nội dung như:

Tiếp tục hoàn thiện thể chế pháp luật, trình Quốc hội ban hành các luật để tiếp tục triển khai thi hành Hiến pháp, tạo môi trường ngày càng thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, bảo đảm quyền con người, quyền công dân, bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội. Thực hiện nghiêm quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; nâng cao chất lượng soạn thảo, thẩm định các dự án luật, pháp lệnh, chú trọng việc đánh giá tác động của chính sách và lấy ý kiến chuyên gia, nhà khoa học, đối tượng chịu sự tác động. Hạn chế việc đề nghị bổ sung, lùi thời hạn trình, rút dự án ra khỏi chương trình xây dựng luật, pháp lệnh.

Đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch tổng thể quốc gia, các quy hoạch cấp quốc gia khác, quy hoạch vùng, phê duyệt quy hoạch tỉnh. Công khai, minh bạch thông tin về quy hoạch. Năm 2021, hoàn thành Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia và Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia, bảo đảm cân đối nguồn cung - cầu năng lượng. Khẩn trương trình Quốc hội xem xét, quyết định Quy hoạch sử dụng đất quốc gia. Sớm xây dựng hệ thống dữ liệu toàn quốc về quy hoạch phát triển đô thị, gắn xây dựng kế hoạch và thực hiện quy hoạch với phát triển thị trường nhà ở, thị trường bất động sản.

Tiếp tục cơ cấu lại nền kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Xây dựng Đề án cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước và tiêu chí phân loại doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2021 - 2025, trọng tâm là tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Xây dựng, triển khai Hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia về đầu tư công, Hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về doanh nghiệp nhà nước.

Điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh và tăng trưởng kinh tế, tăng dự trữ ngoại hối nhà nước khi điều kiện thị trường thuận lợi. Đẩy nhanh tiến độ cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, tập trung cơ cấu lại các tổ chức tín dụng yếu kém.

Thực hiện hiệu quả các giải pháp điều hành giá điện, bảo đảm cân đối cung - cầu, bình ổn thị trường. Trong năm 2021, phê duyệt và triển khai Quy hoạch điện VIII. Đến năm 2025, hoàn thành việc cấp điện cho người dân, kể cả vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về thủy điện; tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các vi phạm trong thiết kế, xây dựng, vận hành các công trình thủy điện.

Sớm hoàn thành rà soát, sửa đổi Bộ tiêu chí nông thôn mới. Tập trung phát triển, nhân rộng mô hình hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao liên kết sản xuất, kinh doanh theo chuỗi giá trị. Xây dựng các phương án ứng phó với hạn hán, ngập mặn, bão lũ, gây sạt lở đất, bờ sông, bờ biển; nghiên cứu, xây dựng và triển khai thực hiện Đề án tổng thể về sắp xếp, di dời, bố trí lại dân cư tại vùng có nguy cơ hoặc chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của thiên tai.

Khẩn trương hoàn thiện chính sách về phát triển và quản lý nhà ở xã hội, trong đó ưu tiên bố trí đủ quỹ đất, thu hút nhà đầu tư và tạo điều kiện thuận lợi để người dân mua nhà ở xã hội.

Hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai. Nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng đất đai có nguồn gốc từ các nông, lâm trường quốc doanh. Khẩn trương kiểm tra việc chuyển đổi đất rừng tự nhiên, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng; tiến hành thanh tra và báo cáo Quốc hội kết quả việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp cổ phần hóa sang kinh doanh đất, xây dựng nhà ở giai đoạn 2011 - 2017.

Tiếp tục sửa đổi đồng bộ cơ chế quản lý, tài chính, phương thức đầu tư, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo phát triển. Đẩy mạnh hợp tác trong nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng công nghệ.

Thực hiện các giải pháp về xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, góp phần khắc phục tình trạng xuống cấp về đạo đức xã hội.

Chủ động, tích cực làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe Nhân dân. Khắc phục tình trạng chất lượng khám bệnh, chữa bệnh chưa đồng đều giữa các tuyến, vùng, miền.

Thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về báo chí, hoàn thành sắp xếp các cơ quan báo chí theo quy hoạch. Xử lý triệt để tình trạng "báo hóa" trang thông tin điện tử tổng hợp, tạp chí điện tử, mạng xã hội.

Tiếp tục cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo Nghị quyết số 56/2017/QH14 ngày 24 tháng 11 năm 2017 của Quốc hội.

Tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp theo Nghị quyết số 96/2019/QH14 ngày 27 tháng 11 năm 2019 của Quốc hội về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác của Viện kiểm sát nhân dân, của Tòa án nhân dân và công tác thi hành án.

Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao báo cáo Quốc hội kết quả thực hiện Nghị quyết này tại các kỳ họp hằng năm và báo cáo kết quả thực hiện các nghị quyết như đã nêu ở trên.

472 dự án thủy điện nhỏ và vừa bị đưa ra khỏi quy hoạch điện 472 dự án thủy điện nhỏ và vừa bị đưa ra khỏi quy hoạch điện

VTV.vn - Bộ trưởng Công Thương cho biết đã đưa ra khỏi quy hoạch của thủy điện 472 dự án nhằm bảo vệ môi trường và giảm thiểu tác động đến thiên tai bão lũ.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước