Ngoài chuyện thay đổi sách giáo khoa, bắt đầu từ năm học 2021-2022, trong chương trình lớp 6 mới sẽ có 2 môn học tích hợp, đó là môn Lịch sử - Địa lý tích hợp từ 2 phân môn Lịch sử và Địa lý trước đây; Môn Khoa học Tự nhiên tích hợp từ 3 phân môn Lý, Hóa và Sinh. Điều này sẽ đòi hỏi các giáo viên phải thay đổi phương pháp giảng dạy, giáo dục, đồng thời họ sẽ phải được bồi dưỡng, để đáp ứng yêu cầu thực hiện chương trình mới. Các giáo viên đang chuẩn bị như thế nào cho hoạt động dạy học tích hợp? Chúng ta sẽ cùng đến với 1 trường THCS ở huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên.
Chủ đề của một tiết học tại một trường THCS ở huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên là Các cuộc phát kiến địa lý từ thế kỷ XV đến thế kỷ XVI, học sinh sẽ tìm hiểu hành trình vượt biển của các nhà thám hiểm. Thay vì chỉ dạy kiến thức Địa lý như thông thường, giáo viên quyết định dạy tích hợp 3 môn: Lịch sử, Địa lý và Văn học.
Dạy học tích hợp là công việc hoàn toàn mới mẻ với giáo viên
Hoạt động mở đầu: Học sinh chia nhóm, cùng thảo luận và liệt kê các cuộc phát kiến địa lý trong lịch sử. Đây là kiến thức của môn Lịch sử.
Hoạt động 2: Học sinh được yêu cầu mô tả hình ảnh 1 cảng biển trong sách giáo khoa. Nhờ đó, các em học cách trình bày, nêu quan điểm và dùng các luận cứ để chứng minh. Đây là kỹ năng của môn Ngữ văn.
Hoạt động 3: Học sinh xác định trên lược đồ hành trình của các cuộc phát kiến địa lý. Đây là kỹ năng của môn Địa lý.
Dạy học tích hợp là công việc hoàn toàn mới mẻ với giáo viên. Để chủ động thích ứng kịp thời, giáo viên phải chủ động tổ chức dạy học, cùng các đồng nghiệp thảo luận, sinh hoạt chuyên môn. Đây chính là quá trình đội ngũ giáo viên tự đào tạo trong trường, kết hợp với hoạt động tập huấn, bồi dưỡng thêm của ngành giáo dục để có đủ điều kiện chuẩn bị cho dạy học tích hợp chính thức vào năm sau.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!