Sở Giáo dục - Đào tạo Hà Nội cho biết, hiện nay Hà Nội đang nghiên cứu đề án giao quyền tự chủ tài chính cho các trường chất lượng cao. Thành phố Hà Nội cũng rất quan tâm ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin trong mọi lĩnh vực giáo dục và đào tạo; đẩy mạnh xã hội hóa, hợp tác quốc tế trong giáo dục và đào tạo, nhất là đã thí điểm mô hình trường chất lượng cao, trường đào tạo song bằng.
Tính từ năm 2013, đến nay Hà Nội đang có 17 trường mầm non, tiểu học, THCS và THPT được công nhận trường chất lượng cao, trong đó 12 trường công lập và 5 trường ngoài công lập. Các trường khi đảm bảo được các tiêu chí gồm: Cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, chương trình giảng dạy…sẽ được thực hiện tự chủ tài chính theo Nghị quyết số 14 của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội.
Các trường thực hiện đề án chất lượng cao được nhà nước đầu tư cơ sở vật chất ban đầu theo tiêu chí cơ sở giáo dục công lập chất lượng cao. Cơ sở giáo dục công lập chất lượng cao được Ngân sách cấp kinh phí trong vòng 3 năm kể từ khi được công nhận theo lộ trình giảm dần.
Kết thúc giai đoạn 3 năm, các trường phải tự đảm bảo kinh phí chi thường xuyên. Các trường công lập chất lượng cao có trách nhiệm quản lý các nguồn kinh phí đảm bảo nguyên tắc dân chủ, công khai, minh bạch và chịu sự quản lý của Nhà nước, sự giám sát của phụ huynh học sinh và xã hội. Đảm bảo tương xứng giữa chất lượng giáo dục với học phí do người học đóng góp và nguồn tài chính được đầu tư, sử dụng.
Tuy nhiên, với mức thu như hiện tại của các trường, nếu được công nhận là trường chất lượng cao, khi ngân sách Nhà nước cắt giảm 100% thì trường thu sẽ không đủ chi. Nguyên nhân là do nhà trường xây dựng, duy trì cơ sở vật chất hiện đại theo mô hình chất lượng cao sẽ tốn nhiều kinh phí, lương của đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên là con số cố định có thể tính toán được. Nhưng số học sinh đăng ký học lại không cố định; nhà trường vẫn phải duy trì chất lượng các hoạt động chăm sóc giáo dục theo mô hình chất lượng cao sẽ gặp khó khăn trong công tác tự thu chi.
Trước khó khăn này, Sở GD-ĐT Hà Nội đã đặt ra các giải pháp để đề nghị thành phố tiếp tục quan tâm ưu tiên đầu tư có trọng điểm cho các trường hiện đang hoạt động mô hình chất lượng cao.
Cụ thể, Sở GD-ĐT sẽ đề xuất thành phố xem xét điều chỉnh cấp ngân sách cho các trường công lập chất lượng cao theo cơ chế giảm giảm dần có lộ trình từ 4 - 5 năm, thay cho việc chỉ cấp thêm 1 năm như hiện nay vì sẽ rất khó khăn để các trường công lập chất lượng cao phát triển.
Bên cạnh đó, Sở GD-ĐT Hà Nội cũng đề xuất thành phố cấp ngân sách cho các trường công lập chất lượng cao phần chi lương cho cán bộ, giáo viên theo chế độ như các trường công lập bình thường.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!