Với học sinh người dân tộc thiểu số, tiếng Việt là ngôn ngữ thứ hai để tiếp thu kiến thức và trao đổi với xã hội một cách thuận lợi hơn. Khi đến trường các em phải làm quen với một ngôn ngữ khác hoàn toàn tiếng mẹ đẻ nên trong quá trình học tập cũng bị ảnh hưởng không ít. Rào cản tiếng Việt đối với học sinh người dân tộc thiểu số ở khu vực Tây Nguyên khi tiếp cận chương trình giáo dục quốc gia là vấn đề khiến cho những người làm công tác giáo dục ở vùng cao luôn trăn trở bấy lâu nay.
Với những học sinh ở bậc mầm non chuẩn bị lên lớp 1, vốn Tiếng Việt vẫn còn rất mới mẻ với các em. Chính điều này đã làm cho các giáo viên ở bậc tiểu học gặp nhiều khó khăn trong việc giảng dạy. Đây cũng là thực trạng chung ở các địa bàn vùng sâu của tỉnh Gia Lai. Mới đây, tại huyện Kbang, khi ngành giáo dục thực hiện một cuộc khảo sát chất lượng cho hơn 2.000 học sinh tiểu học từ lớp 2 đến lớp 5 thì có trên 50% không đọc thông, viết thạo. Còn chuyện đọc sai lỗi chính tả, sai dấu thì gần như 100%. Với những học sinh đầu cấp khi đến lớp, nhiều em vẫn còn chưa thông thạo Tiếng Việt nên tiếp thu kiến thức cũng khó khăn hơn.
Mặc dù các trường học đã tăng cường nhiều biện pháp để cải thiện kết quả, song do vốn Tiếng Việt của học sinh người dân tộc thiểu số còn hạn chế, nên các em tiếp thu bài học khá chậm. Vì vậy, khi thầy, cô giáo giảng bài, các em không hiểu được nghĩa của từ nên mau quên. Vấn đề này cứ kéo dài năm này qua năm khác và chính là nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng học sinh người dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Gia Lai bỏ học ngày càng nhiều.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trênTV Online!