Nhiều sách giáo khoa: Tạo điều kiện sáng tạo cho giáo viên

PV-Thứ ba, ngày 23/06/2020 12:14 GMT+7

VTV.vn - Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nêu rõ, trên một địa bàn có thể chọn nhiều sách nhưng không có nghĩa là chương trình học sẽ khác nhau.

Ngày 22/6, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Bình Định tổ chức Hội nghị tiếp xúc giữa Đoàn ĐBQH tỉnh với Mặt trận và các tổ chức thành viên sau kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV. Tại cuộc tiếp xúc, Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ đã giải đáp nhiều ý kiến của cử tri liên quan đến lĩnh vực giáo dục và đào tạo.

Năm nay không tựu trường sớm

Nêu ý kiến tại buổi tiếp xúc, ông Nguyễn Cảnh Huệ, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Văn hóa xã hội (Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bình Định) cho hay, cử tri và nhân dân đồng tình ủng hộ và đánh giá cao về những chỉ đạo, điều hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) trong thời gian qua để phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Trong đó, có sự thay phương thức đào tạo, đặc biệt là với lớp 9 và lớp 12.

Ông Huệ cho biết, qua nắm bắt cho thấy, vấn đề cử tri, nhân dân quan tâm là làm sao để kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới diễn ra một cách công bằng, không để xảy ra sai sót, tiêu cực, làm cho học sinh, phụ huynh và xã hội yên tâm.

Ông Võ Xuân An, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Dân chủ - pháp luật (UBMTTQ tỉnh Bình Định) đặt câu hỏi về việc lựa chọn sách giáo khoa mới cho các cấp học và chất lượng đầu vào công tác tuyển sinh đại học, cao đẳng khi các trường tự chủ, tự chịu trách nhiệm.

Trao đổi về các vấn đề cử tri quan tâm, Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ, ĐBQH khóa XIV tỉnh Bình Định cho hay, dịch bệnh Covid-19 xảy ra vừa qua ảnh hưởng nặng nề đến lĩnh vực giáo dục. Trước diễn biến của dịch, Bộ GDĐT đã tập trung chỉ đạo đảm bảo an toàn tuyệt đối cho học sinh, giáo viên, nhưng đồng thời cũng tập trung cho nhiệm vụ dạy và học phù hợp với tình hình thực tế. Phương châm "tạm dừng đến trường nhưng không dừng việc học" đã được triển khai linh hoạt và hiệu quả.

Nhiều sách giáo khoa: Tạo điều kiện sáng tạo cho giáo viên - Ảnh 1.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại cuộc tiếp xúc cử tri tỉnh Bình Định

Bộ GDĐT cũng đã nhanh chóng điều chỉnh kế hoạch năm học và tinh giản nội dung chương trình giảng dạy theo hướng giữ lại những kiến thức thật cốt lõi. Đồng thời, triển khai dạy học từ xa, qua internet, trên truyền hình trên phạm vi cả nước - đây là lần đầu tiên việc đào tạo từ xa được triển khai đồng bộ và rộng khắp như vậy. Mặc dù chưa thể đạt được hết mong muốn, song giải pháp này đã bước đầu mang lại kết quả tích cực.

Xác định dạy học trực tuyến không phải là phương thức tạm thời trong mùa dịch mà là giải pháp lâu dài, tạo cơ hội thúc đẩy chuyển đổi số cho trong giáo dục, theo Bộ trưởng, tới đây ngành Giáo dục sẽ tiếp tục phát huy ưu điểm của hình thức dạy học này, bổ trợ cho phương thức dạy học truyền thống, qua đó tiết kiệm thời gian học tập trên lớp cho học sinh, giáo viên.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, Bộ GDĐT đang dự thảo và sẽ lấy ý kiến các địa phương để nghiên cứu chương trình nghỉ hè theo kế hoạch năm học là 15/7 và khai giảng năm học mới vào ngày 5/9, điểm mới là năm nay sẽ không được tựu trường sớm. Bộ GDĐT cũng sẽ tiếp tục rà soát để tinh giản chương trình theo hướng đảm bảo chất lượng, qua đó tăng thời gian nghỉ hè cũng như thời gian tổ chức các hoạt động trải nghiệm cho giáo viên và học sinh.

Nhiều sách giáo khoa: Tạo điều kiện sáng tạo cho giáo viên

Đối với kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho hay, kỳ thi không đơn thuần là để xét tốt nghiệp mà thực chất là đánh giá chất lượng sau 12 năm học, đáp ứng được chuẩn chương trình. Bên cạnh đó, kết quả của kỳ thi còn là căn cứ để cơ quan quản lý giáo dục đánh giá lại phương pháp giảng dạy, từ đó kịp thời điều chỉnh những điểm chưa hợp lý.

Với phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020, địa phương chịu trách nhiệm tổ chức kỳ thi, Chủ tịch UBND cấp tỉnh chịu trách nhiệm toàn diện về kỳ thi nhưng Bộ GDĐT vẫn chịu trách nhiệm chỉ đạo chung. Trong đó, có ban hành quy chế, hướng dẫn thi, chịu trách nhiệm xây dựng đề thi và phần mềm chấm thi, tập huấn cho cán bộ coi thi, chấm thi và đặc biệt là công tác thanh tra, giám sát để đảm bảo sự an toàn, công bằng, minh bạch của kỳ thi.

"Kỳ thi năm nay có điểm mới là huy động cả thanh tra Nhà nước và thanh tra tỉnh cùng tham gia. Năm nay, Bộ GDĐT có kế hoạch sau khi có phổ điểm thi sẽ so sánh với kết quả học bạ để đánh giá chất lượng có thực chất hay không. Qua đó, thấy điểm mạnh, điểm yếu để đầu tư nâng cao chất lượng giáo dục địa phương", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Về vấn đề biên soạn sách giáo khoa, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, sau khi có chương trình giáo dục mới và chuẩn đầu ra của từng môn học thì sách giáo khoa chỉ là sự thể hiện của chương trình. Bởi thế, sách giáo khoa không nhất thiết phải có một bộ mà một chương trình có một số sách giáo khoa, giống như cùng một nội dung nhưng có nhiều cách thể hiện. Qua đó sẽ huy động rất nhiều người tham gia vào việc biên soạn sách trên cơ sở yêu cầu của chương trình.

"Bộ GDĐT thẩm định tất cả các sách một cách công bằng, theo chuẩn kiểm định đã ban hành. Tất cả sách giáo khoa đều do Bộ GDĐT ban hành cho nên không có sự phân biệt. Các bộ sách đã phê duyệt đều sử dụng được. Đây là lần đầu tiên áp dụng một chương trình nhiều sách giáo khoa. Một cô giáo giỏi sắp tới đây có thể tham khảo nhiều sách giáo khoa chứ không phải một sách, như vậy sẽ tạo điều kiện sáng tạo cho giáo viên.", Bộ trưởng nói.

Bộ trưởng cũng nêu rõ, trên một địa bàn có thể chọn nhiều sách nhưng không có nghĩa là chương trình học sẽ khác nhau vì các sách đều được thiết kế theo một chương trình chung, thống nhất. Việc kiểm tra, đánh giá sẽ thực hiện trên chương trình chứ không phải trên sách giáo khoa.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước