Tại rất nhiều quốc gia phát triển, việc tìm hiểu và phát triển các phương pháp giáo dục đã diễn ra mạnh mẽ và ưu thế được lựa chọn trong những năm gần đây là phương pháp tiếp cận STEM - cách tiếp cận dạy học tập trung thúc đẩy phát triển tư duy sáng tạo, khả năng vận dụng qua con đường trải nghiệm, tích hợp nhiều lĩnh vực. Giáo dục Việt Nam phần nào đã bắt kịp xu thế phát triển của thế giới và đã bắt đầu các chương trình thí điểm triển khai giáo dục STEM trong những năm gần đây.
Nhận thấy tầm ảnh hưởng của những phương pháp giáo dục mới đối với thế hệ trẻ Việt Nam trong thời đại 4.0, Công ty Cổ phần Tập đoàn Giáo dục Egroup (Egroup) tổ chức Hội thảo "STEM - Nền tảng vững chắc cho học sinh trong kỷ nguyên số". Đây là Hội thảo Quốc tế về STEM dành cho lứa tuổi học sinh lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam.
Hội thảo gồm 4 phiên tham luận nổi bật với những diễn giả hàng đầu thế giới. Trong đó Tiến sĩ Diana Wehrell-Grabowski - chuyên gia hàng đầu thế giới về STEM đưa ra quan điểm: "Để chuẩn bị cho học sinh phát triển mạnh trong thế kỷ 21, việc đầu tiên cần chuẩn bị chương trình đào tạo cho giáo viên cũng như các cơ hội để được tiếp cận đào tạo. Các chương trình đào tạo giáo viên phải đáp ứng nhu cầu của giáo viên và học sinh thế kỷ 21.
Môi trường lớp học và tất cả các trải nghiệm học tập cần phát triển và củng cố các kỹ năng của thế kỷ 21, bao gồm tư duy phê phán, sáng tạo, giao tiếp và cộng tác. Ngoài ra, việc kết hợp các trải nghiệm công nghệ phù hợp với lứa tuổi và có ý nghĩa sẽ cho phép học sinh phát triển mạnh trong kỷ nguyên số".
Tiến sĩ Diana Wehrell-Grabowski
Còn theo ông Lee Chung Koog, Phó Chủ tịch Hiệp hội Olympiad Toán học thế giới WMO (World Mathematics Olympiad) kiêm nhà Sáng lập CMS Edu - Tập đoàn giáo dục hàng đầu thế giới về các chương trình phát triển tư duy sáng tạo: "Hệ thống giáo dục cần dạy cho học sinh cách tư duy, sử dụng kiến thức hoặc nhận thức hơn là chỉ tập trung vào các kiến thức tiếp thu được. Chúng ta cần các nhà lãnh đạo tương lai có thể tư duy tốt hơn, nếu không thì bất kỳ quốc gia nào trên thế giới cũng sẽ không thể bắt kịp với tiến độ thay đổi không ngừng. Giáo dục tích hợp liên quan đến việc hợp nhất nhiều lĩnh vực với kiến thức khác nhau và giúp học sinh tìm ra giải pháp cho các vấn đề bằng nhiều phương thức khác nhau". Trong phần thuyết trình, ông Lee Chung Koog cũng minh họa các ví dụ về phương pháp giáo dục tích hợp cho các thay đổi mô hình giáo dục chuyển đổi STEM.
Ông Travis Stewart - Phó Tổng Giám đốc phụ trách học thuật Tập đoàn Egroup - cho biết: "Tập đoàn giáo dục Egroup đã và đang tập trung phát triển với nỗ lực tiên phong đem đến những giải pháp giáo dục tiên tiến, bổ ích cho trẻ em Việt Nam. Từ đó giúp trẻ nâng cao khả năng tự học, tư duy sáng tạo, tư duy ngôn ngữ và đặc biệt là thuần thục tiếng Anh như một ngôn ngữ thứ 2".
Tại phiên tham luận với chủ đề Ứng dụng STEM - Lập trình Robot, ông Lee Kiseo chuyên gia về giáo dục công nghệ thông tin đến từ SK Telecom - Tập đoàn Viễn thông lớn nhất Hàn Quốc - đã chứng minh rằng với STEM, Robot coding chính là công cụ giúp trẻ học cách tư duy kết hợp thực hành, nghiên cứu, sáng tạo: "Từ đó, trẻ không những hiểu được Robot hoạt động trên cơ chế gì mà còn có thể tự tạo ra những sản phẩm đầy ưu việt. Đây chính là công cụ giúp trẻ hình thành Tư duy máy tính, trong đó quan trọng hơn cả là 'Tư duy giải quyết vấn đề tối ưu' mà xã hội 4.0 đang yêu cầu ở thế hệ tương lai. Giáo dục lập trình giờ đây là xu hướng giáo dục trên toàn thế giới và đã là môn học bắt buộc trong trường tiểu học và trung học tại các quốc gia hàng đầu thế giới như Mỹ, Anh, Phần Lan…".
Thông qua hội thảo, các chuyên gia khẳng định giáo dục STEM, đào tạo năng lực tư duy, khả năng tự học hay tư duy ngôn ngữ không đơn thuần hướng đến mục tiêu để học sinh trở thành những nhà toán học, nhà khoa học, kỹ sư mà các phương pháp này nhằm tạo ra những con người có thể đáp ứng được nhu cầu công việc của thế kỷ 21, tạo ra thế hệ công dân toàn cầu của Việt Nam trong thời đại kỷ nguyên số.
STEM là viết tắt của: Science (khoa học), Technology (công nghệ), Engineering (kỹ thuật) và Maths (toán học). Thay vì dạy 4 môn học như các đối tượng tách biệt và rời rạc, STEM kết hợp chúng thành một mô hình học tập gắn kết dựa trên các ứng dụng thực tế. Quan trọng hơn việc dạy là cách dạy, STEM chú trọng vào việc dạy học sinh sáng tạo, suy nghĩ độc lập, tự tìm tòi, khám phá thế giới và tự khám phá chính bản thân mình.
Hội thảo "STEM - Nền tảng vững chắc cho học sinh trong kỷ nguyên số" mở ra cơ hội kết nối các nhà khoa học, nhà giáo dục uy tín trên thế giới chia sẻ, gợi ý cách ứng dụng các phương pháp giáo dục tiên tiến cho giáo viên và phụ huynh Việt Nam để chúng ta có thể thay đổi tư duy giáo dục, thay đổi tương lai thế hệ trẻ.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!