Những thầy, cô truyền cảm hứng vào mỗi tiết học

Theo TTXVN-Thứ tư, ngày 20/11/2019 06:00 GMT+7

VTV.vn - Đó là những người thầy, người cô nhiệt tình trong công tác chuyên môn, sống trọn với đam mê và cống hiến hết mình vì sự nghiệp "trồng người".

Nhiệt tình trong công tác chuyên môn, sống trọn với đam mê và cống hiến hết mình vì sự nghiệp "trồng người" - đó là những người thầy, người cô đã miệt mài dành cả cuộc đời cho công việc truyền thụ kiến thức, cảm hứng cho bao thế hệ học sinh.

Truyền cảm hứng học môn Lịch sử

Say mê tìm hiểu lịch sử lại yêu thích nghề giáo, đó là lý do thầy Tôn Thất Minh, giáo viên môn Lịch sử, Trường Trung học cơ sở Cù Chính Lan (quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh) lựa chọn thi vào chuyên ngành sư phạm lịch sử và theo đuổi nghề giáo suốt hơn 30 năm qua.

Chia sẻ về công việc của mình, thầy Minh cho biết: Lịch sử vốn là môn học ít được học sinh yêu thích bởi sự khô khan, lại vừa khó vừa dài. Do đó, điều mà giáo viên dạy bộ môn này luôn trăn trở làm thế nào để học sinh yêu thích và học tốt môn Lịch sử. Vì thế, trong suốt quá trình công tác, thầy Minh luôn tìm tòi, đổi mới phương pháp giảng dạy để truyền cảm hứng cho các em qua mỗi tiết học. Giảng dạy lịch sử, giáo viên không chỉ truyền đạt kiến thức mà còn giáo dục các giá trị truyền thống để các em thêm yêu, tự hào về truyền thống dân tộc, thêm yêu quê hương, đất nước và qua đó rút ra những bài học vận dụng vào cuộc sống.

"Từ nhỏ, sở thích của tôi là tìm tòi đọc sách báo, tư liệu xưa cũ, có giá trị và liên hệ tới ngày nay. Chính điều đó đã giúp giờ dạy lịch sử của tôi không còn đơn điệu với việc đọc - chép kiến thức trong sách giáo khoa khiến học sinh chóng chán. Thay vào đó, tôi kể cho học sinh nghe những câu chuyện mà mình được chứng kiến, giới thiệu cho các em về những hình ảnh, tư liệu mà mình thu thập được… khiến không khí tiết học nhẹ nhàng mà hiệu quả hơn. Sau mỗi bài học, tôi thường đưa ra những câu hỏi mang tính gợi mở, vận dụng, liên hệ từ nội dung bài học để học sinh suy ngẫm, khiến kiến thức lịch sử gần hơn với thực tế cuộc sống", thầy Minh chia sẻ.

Để giờ dạy của mình thêm sinh động, thầy cũng dành nhiều thời gian để hướng dẫn học sinh tìm hiểu, nghiên cứu tài liệu, thu thập thông tin... thông qua hình thức học theo nhóm, thuyết trình và trao đổi kiến thức trên lớp, qua đó cũng rèn luyện cho các em thêm nhiều kỹ năng. Mặt khác, thầy Minh để xuất nhà trường thường xuyên tổ chức các buổi học ngoại khóa, đến thăm các địa điểm lịch sử, văn hóa… để các em tìm hiểu. Đặc biệt, thầy và các giáo viên bộ môn Lịch sử đã cùng xây dựng các bảng thông tin về các nhân vật, sự kiện… lịch sử đặt khắp sân trường, để các em có thể tiếp cận mọi lúc, cả vào giờ chơi.

Cứ như thế, chính sự tự học, tự nghiên cứu cũng như thông qua các hoạt động trải nghiệm đã giúp các em dần yêu thích môn lịch sử một cách tự nhiên. "Từ những tiết học mới mẻ, thú vị của thầy Minh đã giúp em bớt sợ và dần thêm yêu thích môn Lịch sử" –  đó là chia sẻ em Tuấn Vũ, học sinh lớp 9/4 cũng như nhiều học sinh Trường Trung học cơ sở Cù Chính Lan.

Nhớ lại những khó khăn trong cuộc đời làm nghề giáo của mình, thầy Minh tâm sự, có thời điểm cuộc sống của gia đình thầy vô cùng chật vật vì mọi thứ chỉ trông chờ vào đồng lương giáo viên, thế nhưng thầy chưa bao giờ có ý định bỏ nghề. Tình yêu học trò, hơn hết là mong muốn truyền cảm hứng với môn Lịch sử cho các thế hệ học trò của mình hiểu mà thầy đã vượt qua tất cả.

"Để học sinh đam mê lịch sử, trước tiên giáo viên phải có lòng nhiệt huyết với môn học này. Chủ động đổi mới phương pháp dạy học là yêu cầu tất yếu đặt ra với mỗi giáo viên, tuy nhiên điều cần thiết là phải đổi mới việc dạy và học bộ môn này một cách đồng bộ từ chương trình, sách giáo khoa, cách đánh giá... Tôi rất mong sách giáo khoa Lịch sử trong chương trình giáo dục phổ thông mới lần này thực sự đổi mới, hình ảnh đẹp mắt, thông tin đầy đủ. Trong thời đại công nghệ thông tin, cùng kiến thức lịch sử, sách giáo khoa cũng cần có phần hướng dẫn mở rộng về nguồn tài liệu tham khảo như các trang web để tìm tòi, mở rộng, cập nhật kiến thức", thầy Minh bày tỏ.

Truyền kiến thức - truyền nhân cách

Là Tổ trưởng Tổ Ngữ văn của Trường Trung học phổ thông Nguyễn Hữu Huân (quận Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh), cô Lê Thị Minh Phương luôn được đồng nghiệp đánh giá cao, học sinh yêu mến không chỉ bởi chuyên môn giỏi mà còn bởi sự gần gũi, tận tình của cô. Hơn 30 năm theo nghề, cô Phương là giáo viên giỏi nhiều năm, là một trong những người tiên phong trong xây dựng và ph‌át triển lớ‌p chuyên ngữ văn của trường.

Trong hơn 30 năm công tác, với cô Minh Phương, nghề giáo là một nghề đặc biệt, truyền thụ kiến thức đồng thời giáo dục nhân cách cho học trò, vì thế, người thầy phải là tấm gương trong cả công việc và cuộc sống cho học trò noi theo. Là người thầy nhưng đồng thời cũng phải là người bạn đồng hành cùng học trò, bằng cả sự yêu thương chân thành của mình. Đó là điều cần thiết với bấ‌t cứ người nào chọn nghề giáo để theo đuổi. Riêng với bộ môn Ngữ văn, điều quan trọng là trong quá trình giảng dạy, giáo viên phải khơi gợi được sự sáng tạo của học sinh chứ không bị rập khuôn, máy móc. Bởi thế, cô luôn đưa nhiều phương pháp dạy học tích cực, tổ chức các chuyên đề để đưa văn hóa dân tộc vào giảng dạy, như về ẩm thực, văn hóa, nghệ thuật… ở mọi miền đất nước, để tiết học sinh động hơn; mặt khác, cô còn tổ chức các hoạt động trải nghiệm ngoại khóa cũng giúp học sinh năng động, tự tin hơn.

Những thầy, cô truyền cảm hứng vào mỗi tiết học - Ảnh 1.

Nói về lý do đến với nghề giáo, cô Minh Phương cho biết đây là nghề truyền thống của gia đình và đó cũng là niềm mong muốn mà cô đã theo đuổi từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Hình ảnh những người thầy, người cô thật hiền, thật đẹp, ân cần và ấm áp đã thôi thúc cô Minh Phương quyết tâm đi theo nghề "trồng người" cho dù có gặp bao khó khăn. Cô Phương cũng luôn nhắc học trò mình rằng khi bản thân chọn đúng nghề mình yêu thích thì mọi khó khăn đều có thể vượt qua.

Một trong những kỷ niệm đáng nhớ nhất với cô Minh Phương đó là trong thời gian mới ra trường cô được phân công công tác tại phân hiệu Trường Trung học phổ thông Nguyễn Hữu Huân ở Long Thạnh Mỹ, Quận 9 (nay là Trường Trung học phổ thông Nguyễn Huệ, Quận 9). Thời đó, học sinh ở khu vực này rất khó khăn, thiếu thốn nhưng các em rất chăm ngoan nên tình cảm cô trò gắn bó. Chính vì thế, khi phải rời phân hiệu để về cơ sở chính - nơi có điều kiện, đời sống tốt hơn để công tác nhưng cô lại cảm thấy rất buồn, nhắc lại kỷ niệm phải tạm biệt lớ‌p học trò đầu tiên mà mình chủ nhiệm, cô Phương vẫn còn rất xúc động.

Nhận xét về cô Minh Phương, thầy Phạm Phương Bình, Phó Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Nguyễn Hữu Huân chia sẻ, trong suốt quá trình công tác cô Phương luôn thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, phấn đấu học tập nâng cao trình độ chuyên môn. Với việc đưa nhiều phương pháp mới vào dạy học cô đã góp phần nâng cao chất lượng dạy và học bộ môn Ngữ văn của trường. Đặc biệt, cô rất nhiệt tình chỉ bảo các giáo viên trẻ, luôn được giáo viên, phụ huynh và học sinh tin yêu.

Giáo viên vùng khó khăn về thăm Hà Nội Giáo viên vùng khó khăn về thăm Hà Nội

VTV.vn - Hôm nay (16/11), các thầy cô giáo từ 63 tỉnh thành trên cả nước đã có dịp về Hà Nội.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước