Theo đó, xuất bản phẩm tham khảo được lựa chọn sử dụng trong các cơ sở giáo dục phải đảm bảo các yêu cầu sau:
1- Phù hợp với mục tiêu, nội dung chương trình giáo dục do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành đối với từng cấp học, lớp học;
2- Đảm bảo tính khoa học, tính chính xác, tính sư phạm và tính thẩm mĩ;
3- Phù hợp với tâm sinh lí lứa tuổi của đối tượng sử dụng; không trái với văn hóa, lịch sử, địa lí, đạo lí và thuần phong mĩ tục Việt Nam; phù hợp với xu hướng hội nhập quốc tế;
4- Có tác dụng giáo dục tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc; đảm bảo giữ gìn an ninh chính trị, trật tự xã hội và giữ vững chủ quyền quốc gia;
5- Không vi phạm các quy định của pháp luật.
Thông tư quy định, giáo viên không được sử dụng những nội dung vượt quá chuẩn kiến thức, kĩ năng của chương trình, sách giáo khoa trong các xuất bản phẩm tham khảo để kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh, học viên trong quá trình dạy học.
Giáo viên và cán bộ quản lí giáo dục tại các cơ sở giáo dục có trách nhiệm cung cấp đầy đủ, chính xác thông tin về danh mục xuất bản phẩm tham khảo mà cơ sở giáo dục đã lựa chọn cho học sinh, học viên và cha mẹ học sinh, học viên.
Bên cạnh đó, giáo viên và cán bộ quản lí giáo dục các cấp không được lạm dụng vị trí công tác của mình để thực hiện hoặc tham gia thực hiện việc ép buộc, vận động học sinh, học viên hoặc cha mẹ học sinh, học viên mua xuất bản phẩm tham khảo dưới bất kì hình thức nào.
Thông tư cũng quy định, các sở giáo dục và đào tạo, phòng giáo dục và đào tạo chỉ đạo, hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các nội dung quy định đối với các cơ sở giáo dục, các tổ chức, cá nhân theo thẩm quyền.
Ngoài ra, đình chỉ việc sử dụng xuất bản phẩm tham khảo có nội dung sai sót, không phù hợp với mục tiêu, chương trình giáo dục và sách giáo khoa hoặc có biểu hiện vi phạm pháp luật tại các cơ sở giáo dục; báo cáo cơ quan có thẩm quyền để có biện pháp xử lý kịp thời.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/8/2014.