Sách giáo khoa mới cần thỏa mãn những tiêu chí nào? Đây là vấn đề được đặt ra tại Hội thảo "Biên soạn tài liệu hướng dẫn dạy học và SGK theo chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) - Kinh nghiệm quốc tế và vận dụng vào điều kiện của Việt Nam" do Bộ GD&ĐT tổ chức ngày 6/5 với sự tham dự của hơn 200 đại biểu thuộc các trường, các sở GD&ĐT và chuyên gia nước ngoài.
SGK từ kinh nghiệm nước Anh
Bà Andrea Carr, Giám đốc điều hành Công ty Rising Stars and Hodder Primary, hoạt động trong lĩnh vực xuất bản giáo dục, chia sẻ: Sang thế kỷ 21, xu hướng các cuốn SGK tập trung vào người học nhiều hơn, chứ không chỉ tập trung vào kiến thức với nhiều câu hỏi hơn, sống động hơn, học sinh nghĩ nhiều hơn.
Cấu trúc của SGK mới cần cho phép sự tiếp nối học tập một cách gắn kết về kiến thức giữa các cấp học và hỗ trợ sự phản hồi của người học. Trình tự kiến thức trong SGK nên được trình bày theo một chuỗi thích hợp, có tính đến sự phù hợp về lứa tuổi.
"Điểm hấp dẫn của SGK mới mà Vương quốc Anh và thế giới đang hướng tới đó là có SGK số hóa, có các phần mềm hỗ trợ trong lớp học, có các phương thức tiếp cận làm cho quy trình biên soạn và SGK mới sống động hơn. Nhưng SGK cũ cũng không lỗi thời, kiến thức của nó hoàn toàn có giá trị”.
Còn theo bà Sally Griffin, Giám đốc cao cấp về giáo dục vùng Cornwall (Anh), ngay từ tháng 3/2013, Bộ Giáo dục Anh đã giới thiệu chương trình giáo dục quốc gia thực hiện ở tất cả các trường tiểu học và trung học cho năm học 2014 (bắt đầu từ tháng 9/2014).
Chương trình giáo dục mới này tập trung vào sự trải nghiệm của học sinh với phần nội dung bắt buộc và phần cho các trường tự sáng tạo; giáo viên đóng vai trò chủ đạo tổ chức các hoạt động trải nghiệm của học sinh.
SGK Việt Nam viết theo tiêu chí nào?
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển khẳng định, theo Đề án Đổi mới chương trình, SGK sau 2015 thì bộ SGK mới sẽ có 2 thay đổi: Chuyển từ chú trọng kiến thức sang phát triển năng lực người học; sử dụng một chương trình, nhiều bộ SGK.
Với định hướng này, có thể thấy, Bộ GD&ĐT cũng đang cố gắng bắt kịp với các xu hướng mới của thế giới. Sự mới mẻ về tư duy kéo theo thay đổi trong cách thức biên soạn SGK.
Nhiều ý kiến tại hội thảo cho rằng việc tiếp thu, học hỏi kinh nghiệm xây dựng chương trình, biên soạn SGK của thế giới là điều nên làm nhưng cần tính toán đến mức độ sao cho phù hợp với điều kiện, đặc thù Việt Nam.
GS.TS Nguyễn Đức Chính, ĐH Giáo dục (ĐHQG Hà Nội), thành viên Tổ biên soạn SGK mới đề xuất các tiêu chuẩn và tiêu chí đánh giá SGK mới của Việt Nam, trước hết là không vi phạm quy định tại Hiến pháp 2013, Luật Giáo dục và các văn bản luật khác có liên quan; tuân thủ chương trình GDPT.
SGK phải cung cấp nội dung kiến thức với 5 tiêu chí, gồm: Đảm bảo đồng bộ và phù hợp mục tiêu chương trình; việc lựa chọn và tổ chức nội dung đảm bảo yêu cầu thống nhất giữa tích hợp và phân hóa; hỗ trợ phương pháp dạy, học và đánh giá kết quả học tập của học sinh; cấu trúc văn bản SGK; cách thức trình bày SGK.
Ông Nguyễn Đức Chính cho biết, trên cơ sở các tiêu chuẩn, tiêu chí đã đề cập ở trên, các tổ chức, cá nhân tham gia biên soạn SGK phải tuân thủ quy trình bắt buộc gồm 3 bước: Dự thảo và thử nghiệm SGK theo chương trình GDPT, Hội đồng quốc gia thẩm định, phê duyệt bản thảo sạch để in. Từ quy trình đó, Bộ GD&ĐT sẽ tổ chức việc biên soạn SGK theo 8 nội dung.
GS. Đinh Quang Báo, Ủy viên Hội đồng quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực cho hay, cấu trúc văn bản của SGK sẽ bao gồm các thành tố như: Nội dung giới thiệu vai trò, vị trí môn học, phương pháp nghiên cứu môn học, các kỹ năng chuyên biệt và năng lực chung, liên hệ kiến thức môn học với các môn học khác. SGK cũng phải có nội dung hướng dẫn tổ chức học sinh học tích cực và phát triển năng lực bằng việc hoàn thành các hoạt động tích hợp, vận dụng kiến thức, kỹ năng để giải quyết các vấn đề; có bảng giải thích thuật ngữ...
Đây là những tiêu chí chung và phổ quát để định hướng việc xây dựng chương trình, SGK. Song, những tiêu chí này mới chỉ là những đề xuất của các thành viên Tổ biên soạn SGK mới và vẫn đang nằm trên bàn thảo luận.
Thời gian này, Bộ GD&ĐT vẫn tiếp tục cử cán bộ đi học và tổ chức nhiều buổi hội thảo tham vấn ý kiến của các chuyên gia quốc tế về vấn đề biên soạn SGK.