Theo lộ trình Chương trình giáo dục phổ thông 2018, năm nay, 3 khối lớp sẽ tiếp tục thay sách giáo khoa mới là: lớp 3, lớp 7, lớp 10. Ở bậc THPT, lớp 10 là lớp đầu tiên thực hiện dạy và học theo chương trình mới, sách giáo khoa mới. Có môn lần đầu các em sẽ được học là Nghệ thuật. Và trong Nghệ thuật, sẽ có âm nhạc và mỹ thuật. Đây chính là việc đáp ứng tối đa phát triển năng lực, phẩm chất của từng cá nhân. Thế nhưng đến giờ này, khi năm học mới đã rục rịch bắt đầu, giáo viên vẫn đang thiếu.
Trường THPT Hòa Phú (Tuyên Quang) năm nay có 4 lớp 10. Nhà trường chia sẵn luôn thành 2 lớp: Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội. Việc chia lớp này dựa trên lựa chọn lâu nay của các học sinh. Nhưng quan trọng nhất là để phù hợp với số giáo viên có sẵn. Những môn mới như Âm nhạc hay Mỹ thuật chưa thể dạy được.
Một lớp học tại trường Trung học cơ sở Hoàng Văn Thụ, xã Quảng Sơn, huyện Đắk G’Long, tỉnh Đắk Nông. (Ảnh: TTXVN)
Tập huấn về sách giáo khoa mới, khẩn trương hoàn thiện chương trình giảng dạy cho lớp 10. Các giáo viên của trường THPT Phạm Hồng Thái (Hà Nội) đang rất nỗ lực đảm bảo dạy theo chương trình mới. 4 tổ hợp môn lựa chọn được xây dựng, bám rất sát theo nhu cầu của học sinh. Nhưng đồng thời phải phù hợp với số lượng giáo viên hiện có của trường. Ngay trong năm học này, các môn nghệ thuật chưa thể triển khai cho lớp 10.
Trong khả năng của mình, các địa phương vẫn đang tính toán để làm sao bù đắp được số giáo viên còn thiếu.
Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 có những môn học mới là một nguyên nhân khiến thiếu giáo viên. Ngoài ra, thiếu giáo viên còn do tăng dân số hàng năm, vấn đề di dân tự do ở các thành phố lớn, khu công nghiệp. Trong những năm qua, hầu hết địa phương không giao bổ sung biên chế trong khi vẫn phải thực hiện 10% tinh giản biên chế. Công tác quy hoạch, dự báo nhu cầu về giáo viên của các địa phương chưa sát với thực tế.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!