Những vấn đề về sách giáo khoa, công tác giáo dục, đảm bảo quyền của trẻ em, của người học và lực lượng giáo viên khi ban hành, thực thi chính sách pháp luật trong lĩnh vực giáo dục & đào tạo... là những tâm tư được đại biểu Phạm Thị Minh Hiền (đoàn Phú Yên) đã gửi gắm đến các đại biểu Quốc hội khoá XV cũng như Chính phủ nhiệm kỳ tới nhiều vấn đề.
Đừng để cử tri chờ quá lâu, chờ miệt mài
"Sự cố xã hội hóa về sách giáo khoa trong năm vừa qua là một câu chuyện cay đắng rất đáng phải quên đi, nhưng đó lại là bài học kinh nghiệm xương máu cho các nhà quản lý, hoạch định chính sách", bà Hiền nói.
Theo bà Hiền, trong khi câu chuyện xử lý trách nhiệm, xử lý lỗi sai của các bộ sách vẫn chưa được rõ ràng minh bạch thì đến những ngày gần đây dư luận lại có thêm những bức xúc mới, lo lắng mới liên quan đến chính sách nâng hạng dành cho giáo viên, về sự hợp nhất không rõ ràng của 2 bộ sách giáo khoa, về sự nhập nhằng trong giá sách.
Những "hạt sạn" trong SGK tiếp tục được đại biểu Phạm Thị Minh Hiền (đoàn Phú Yên) đề cập
Bà Hiền cho biết có không ít giáo viên, phụ huynh học sinh vẫn mang nhiều tâm tư trăn trở gởi đến ở kỳ họp cuối cùng này. Họ lo lắng rất nhiều, họ chờ đợi một phương hướng xử lý thật mạch lạc, một thái độ tôn trọng đối với những người đang chịu tác động về các quy định liên quan của ngành Giáo dục.
"Để có niềm tin, chúng ta có quyền đặt câu hỏi nghi vấn hướng đến sự minh bạch, Quốc hội chất vấn thì Bộ trưởng, Chính phủ trả lời. Trả lời nghĩa là nói, nói phải đi đôi với làm. Xin đừng để cử tri chờ quá lâu, chờ miệt mài, chờ từ nhiệm kỳ này sang đến nhiệm kỳ khác", nữ đại biểu đoàn Phú Yên nhấn mạnh.
Theo đại biểu Hiền, mỗi chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước khi được ban hành ngoài việc luôn cần một triết lý đúng đắn, mang hơi thở cuộc sống, xuất phát từ con người, vì con người, thì cho đến lúc này cần phải tăng thêm sức nặng của kỷ cương phép nước, của kỷ luật quốc gia.
"Xin đừng xem trách nhiệm là trái bóng, và xử lý trách nhiệm như trận đấu bóng không hồi kết", bà Hiền nhấn mạnh.
Bà Hiền nhấn mạnh vấn đề trách nhiệm trong công tác quản lý giáo dục
Đổi mới trong tư duy
Tiếp tục về nội dung giáo dục, đai biểu Hiền cho rằng đại dịch COVID-19 khiến cả thế giới phải đối mặt, phải thích nghi với sự thay đổi mạnh mẽ và toàn diện về nhận thức xã hội, hành vi con người với môi trường bên ngoài.
"Lúc này, giáo dục & đào tạo càng phải giữ vững vai trò, vị trí vô cùng quan trọng trong việc xây dựng kiến tạo xã hội. Ở đó, thế hệ hiện tại và tương lai cần phải được giáo dục và rèn luyện kỹ càng để có thể vượt qua những thách thức và biến động lớn lao", bà Hiền khẳng định.
Ngoài ra, không chỉ có truyền tải kiến thức, sứ mệnh mới của giáo dục đào tạo còn phải hướng đến việc rèn luyện cho học sinh - sinh viên có khả năng thích ứng linh hoạt, kỹ năng số thuần thục, kích hoạt năng lực phối kết hợp, nâng cao ý thức tự giác về nghĩa vụ, không chỉ là nghĩa vụ mang tính chất cá nhân đơn thuần mà còn là nghĩa vụ giữa cá nhân với xã hội.
Nữ đại biểu đoàn Phú Yên kêu gọi sự đổi mới trong tư duy quản lý giáo dục
"Nền tảng cho sự phát triển bền vững của giáo dục đó chính là trao quyền và tôn trọng sự sáng tạo, là khai phóng sức mạnh nội lực con người", bà Hiền nêu quan điểm.
"Xin đừng chọn cách làm đối phó, vì né tránh trách nhiệm mà bỏ qua áp lực, cảm xúc của người học và người dạy. Xin đừng trông chờ thói quen độc quyền bú mớm, cơ chế xin cho, chỉ biết chăm bẳm hút cạn bầu sữa mẹ, gây nợ mòn con lớn", nữ đại biểu nói thêm.
Bà Hiền mong muốn chính phủ và các nhà quản lý điều hành lĩnh vực giáo dục và đào tạo hãy sử dụng sức mạnh của những bộ óc thông tuệ, trí tâm tử tế để có những quyết sách đúng đắn, phù hợp, nhân văn.
"Suy cho cùng, đổi mới giáo dục cần bắt đầu từ đổi mới tư duy trong quản lý giáo dục", bà Hiền khẳng định.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!