Hỗ trợ dạy tiếng Anh cho học sinh vùng cao
Năm học này đã khép lại với một trong những nhiệm vụ rất khó với các địa phương đó là dạy tiếng Anh cho học sinh lớp 3. Khó là bởi ngành giáo dục cả nước thiếu tới hơn 5.300 giáo viên tiếng Anh. Nếu không có những giải pháp linh hoạt vượt khó, mục tiêu dạy tiếng Anh cho trẻ từ lớp 3 sẽ vẫn cứ chỉ là trên giấy hoặc nơi có nơi không. Vì thế, trên khắp cả nước, những mô hình học tập xưa nay chưa có đã xuất hiện để thực hiện nhiệm vụ dạy tiếng Anh.
Huyện Mèo Vạc, Hà Giang, có tới 76 lớp 3 nhưng chỉ duy nhất 1 giáo viên tiếng Anh. Thiếu giáo viên vì địa hình khó khăn, không tuyển được người mới ra trường, trong khi đó, quy định về tinh giản biên chế khiến lực lượng càng thêm mỏng.
Cái khó ló cái khôn, Phòng giáo dục Mèo Vạc đã xin được sự hỗ trợ từ Trường Maricure tại Hà Nội. 23 giáo viên hàng tuần từ Hà Nội dạy trực tiếp cho học sinh Mèo Vạc qua lớp học ảo. Sau 1 năm chỉ gặp nhau qua màn hình tivi, các thầy cô từ Hà Nội đã lên gặp học trò của mình.
Lớp học ảo tuy không thể bằng học trực tiếp nhưng với nỗ lực xây dựng bài giảng phong phú với nhiều hoạt động tương tác, những em nhỏ nơi đây đã được học tiếng Anh như học sinh mọi vùng miền.
Năm học tới, huyện Mèo Vạc có 2.600 học sinh lớp 4. Số giáo viên tiếng Anh cũng mới chỉ tăng từ 1 lên 3 giáo viên. Trường Marie Curie Hà Nội đã quyết định sẽ tiếp tục đồng hành hỗ trợ việc giảng dạy môn tiếng Anh cho học sinh lớp 4 của huyện.
Trong bối cảnh khó khăn, sự nỗ lực quyết tâm của các địa phương sẽ đảm bảo chương trình mới có thực hiện thuận lợi hay không. Còn với mô hình lớp học ảo trực tiếp này, địa phương không chỉ huy động được nguồn lực xã hội, giải quyết bài toán thiếu giáo viên mà còn thúc đẩy giáo dục chuyển đổi số nơi vùng khó.
Nhiều giải pháp đảm bảo dạy tiếng Anh
Cùng với mô hình lớp học ảo, năm học vừa qua, Bộ GD-ĐT cũng đã đưa ra nhiều giải pháp khác nhau để các địa phương vượt khó do thiếu giáo viên, thiếu cơ sở vật chất, nỗ lực dạy tiếng Anh cho học sinh lớp 3.
Các địa phương đã có các hình thức như biệt phái giáo viên từ vùng thuận lợi về các vùng khó khăn, huy động giáo viên dạy một lúc nhiều trường khác nhau, giáo viên ở bậc THCS xuống hỗ trợ cho bậc tiểu học.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo các địa phương chủ động xây dựng kế hoạch tuyển dụng, quản lý, sử dụng hiệu quả chỉ tiêu biên chế giáo viên. Tính đến nay, các địa phương đã tuyển dụng được hơn 15.500 biên chế giáo viên các môn học, trong đó có giáo viên tiếng Anh ở bậc tiểu học.
Giáo viên đã thiếu, nhưng bên cạnh đó, theo chương trình mới, giáo viên còn cần phải thiết kế các bài giảng mở, tăng tính tương tác cho học sinh. Với các lớp đông, học sinh nhỏ tuổi, khi tổ chức bất cứ một hoạt động nào cũng sẽ khiến giáo viên, nhà trường phải tốn rất nhiều công sức. Vì thế, ở các địa phương, các thầy cô giáo đã rất nỗ lực sáng tạo để có những giờ học tiếng Anh thú vị cho học sinh.
Góc sân trường đã được cải tạo thành một lớp học mở. Học sinh lớp 3 học tiếng Anh ở đây. Cô giáo cho các em xem video, tô màu rồi hoàn thành các câu tiếng Anh trên những bức tranh vừa tô. Dù là năm đầu tiên thực hiện tiếng Anh bắt buộc cho học sinh lớp 3, trường Tiểu học Lê Văn Tám ở thành phố Hòa Bình đã chủ động đổi mới từ bài giảng cho đến không gian học tập.
Tại thành phố Huế, tiếng Anh trước đó đã là môn học tự chọn nên học sinh không quá bỡ ngỡ. Vấn đề là theo chương trình mới, bài học được thiết kế tăng cường cho học sinh tương tác.
Giáo viên sẽ cần chuẩn bị clip minh họa, tổ chức trò chơi, song vẫn phải đảm bảo cho các em có thời gian để luyện viết, luyện nói. Đây là áp lực rất lớn. Thầy cô sẽ phải mất nhiều thời gian, công sức hơn để chuẩn bị. Khi dạy bị cháy giáo án là việc khó tránh khỏi.
Mặc dù cô giáo mất thời gian nhưng học sinh sẽ được những giờ học thú vị. Và không khỏi bất ngờ khi những em bé mới lớp 3 đã biết rõ lý do vì sao mình thích học tiếng Anh!
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!