Trong tháng 5 này, Thông tư 05 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về sửa đổi bổ sung một số điều của quy định, tiêu chuẩn quy trình biên soạn, chỉnh sửa sách giáo khoa, sẽ chính thức có hiệu lực. Một trong những nội dung điều chỉnh đáng chú ý là về yêu cầu và quy trình thực nghiệm sách. Thông qua việc tăng số tiết, số lần thực nghiệm, các đơn vị biên soạn và xuất bản sách giáo khoa đang có điều kiện mở rộng hơn kênh tiếp thu phản hồi, ý kiến của các giáo viên, các nhà trường.
Là tác giả của sách giáo khoa Toán, TS Nguyễn Sơn Hà luôn tích cực tham gia dự giờ các tiết dạy thực nghiệm. Bản thân ông đã có nhiều phát hiện bất ngờ khi giáo viên chuyển tải các nội dung trong sách thành bài giảng thực tế.
Nhóm tác giả sách giáo khoa Cánh Diều đã thu thập được nhiều dữ liệu góp ý, phản hồi của giáo viên tại gần 60 trường học trên cả nước.
Bằng việc tổ chức thực nghiệm ở các tỉnh Tuyên Quang, Đồng Nai, Nam Định, Hà Tĩnh, thời gian qua, nhóm tác giả sách giáo khoa Cánh Diều đã thu thập được nhiều dữ liệu góp ý, phản hồi của giáo viên tại gần 60 trường học trên cả nước.
Theo quy định việc thực nghiệm được tổ chức ít nhất từ 10% cho đến 20% tổng số tiết tuỳ vào thời lượng từng môn. Mỗi bài học được dạy thực nghiệm ít nhất 2 lần, cơ sở giáo dục phổ thông được lựa chọn để tổ chức dạy thực nghiệm bảo đảm tính đại diện vùng, miền. Việc thực nghiệm sách giáo khoa tiến hành trên diện rộng đang được coi là cơ hội quý của các nhà trường.
Bằng việc tăng số tiết, số lần thực nghiệm đối với từng môn học, Thông tư 05 đang được kỳ vọng sẽ giúp cho các đơn vị xuất bản sách giáo khoa có thể hạn chế được những sai sót về kiến thức và loại bớt những "sạn" không đáng có như một số bộ sách ở các lớp trước. Tuy nhiên theo nhiều chuyên gia, ngoài việc thực hiện nghiêm túc công tác thực nghiệm, các đơn vị xuất bản cũng cần phải công khai quá trình này để người học và xã hội cùng giám sát.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!