Trường nghề đang "rẽ lối" để bứt phá?

Hồng Anh-Thứ hai, ngày 13/07/2020 14:36 GMT+7

VTV.vn - Hơn 255.000 thí sinh từ bỏ cuộc đua ĐH, CĐ để đi học nghề. Trường nghề tăng tốc để đổi mới, thu hút học viên. Đó là bức tranh mới mẻ của trường nghề trong năm 2020.

Học viên trường nghề: Cung không đủ cầu

Hiện nay, nhiều thí sinh chỉ sau khi không tìm được cánh cửa vào một trường ĐH nào đó mới bắt đầu nghĩ tới việc học cao đẳng, trung cấp nghề. Trong khi đó, hiện nay, nhiều trường đại học lại có chính sách tuyển sinh rất dễ dàng. Thậm chí, chỉ cần thí sinh nộp hồ sơ sau khi đỗ tốt nghiệp THPT là có thể vào ĐH, khiến cho trường nghề chưa cởi bỏ sự hụt hẫng trong câu chuyện tuyển sinh.

Năm nay, thêm ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, kết quả tuyển sinh học nghề 5 tháng đầu năm 2020 của các địa phương trên cả nước chỉ bằng 57% so với cùng kỳ năm 2019. Đặc biệt, con số này chỉ đạt khoảng 21% so với kế hoạch tuyển sinh cả năm nay.

Trường nghề đang rẽ lối để bứt phá? - Ảnh 1.

Bắt đầu từ năm 2017, gần 2.000 trường nghề công lập được quyền tự quyết về hình thức tuyển sinh. Thế nhưng, làm thế nào để lấp đầy chỉ tiêu tuyển sinh vẫn là bài toán không dễ giải, dẫn đến nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp cũng không dễ dàng được đáp ứng.

Theo kế hoạch đến năm 2020, là phải ít nhất 30% sau THCS phải vào học trường nghề. Tuy nhiên, cơ chế phân luồng học sinh chưa tốt không chỉ khiến trường nghề vẫn gặp khó, mà doanh nghiệp cũng vì thế mà loay hoay.

Để tìm lao động, đại diện doanh nghiệp đã đến tận trường. Mục tiêu là tuyển dụng toàn bộ học viên tốt nghiệp nhưng cũng đã không thể tuyển đủ số lượng mong muốn.

Theo Phó phòng Tổ chức nhân sự Công ty CP Lilama 693, lượng lao động học nghề tuyển dụng rất khó khăn. Mặc dù là lượng học viên đăng ký học nghề đã tăng và ra trường cũng rất nhiều nhưng sinh viên ra trường hiện có rất nhiều sự lựa chọn, đặc biệt là các khu công nghiệp mới mọc lên và có nhiều doanh nghiệp nước ngoài.

Tuy nhiên, doanh nghiệp nước ngoài cũng đang loay hoay như doanh nghiệp trong nước. Tuyển được vài trăm người đã khó, với nhu cầu hàng nghìn lao động thì lại càng khó như mò kim đáy bể. DN sẵn sàng trả mức lương 7 - 10 triệu đồng/tháng cho học viên mới ra trường nhưng không thể tìm đủ số nhân sự mong muốn.

Câu chuyện này nhiều năm nay không có gì mới. Để gỡ khó cho vấn đề này, Bộ LĐ-TB&XH đang khẩn trương hoàn thiện nghị định quy định cơ chế tự chủ cơ sở giáo dục nghề nghiệp, dự kiến sẽ bắt đầu có hiệu lực vào năm nay. Theo đó, ngoài việc tự chủ hơn trong việc thực hiện đào tạo và tổ chức nội bộ, Nhà nước sẽ cấp tài chính theo cơ chế đấu thầu và đặt hàng đào tạo đối với các trường nghề. Cơ chế thì đã có nhưng để triển khai cũng không mấy trơn tru.

Tự chủ trường nghề: Tự do kiểu bó buộc?

Tiền thân là trường sư phạm nhưng sau khi sáp nhập, trường Cao đẳng Hải Dương đã có thêm những mã ngành đào tạo nghề về kinh tế. Nhờ xây dựng được hệ thống các trường thành viên từ mầm non đến THPT mà trường đã tự chủ được 60% kinh phí chi thường xuyên. Nhưng mọi thứ cũng chưa phải thuận lợi hoàn toàn.

Trường nghề đang rẽ lối để bứt phá? - Ảnh 2.

Cũng vì khiêm tốn về cơ sở vật chất mà những mã ngành như điện, điện dân dụng, vốn được coi là đông học viên nhất, hiện số lượng người học rất ít. Nhiều mã ngành đã được cấp phép khác còn gần như không thể tuyển nổi học viên. Đối mặt với bài toán tự chủ, trường nghề cũng vì thế mà chưa thể tự tin.

Cốt lõi của tự chủ là chuyển đổi từ cơ chế bị động, bao cấp, sang cơ chế các trường phải chứng minh được cho xã hội thấy hiệu quả, trước khi nhận được ngân sách của Nhà nước. Đây là bước chuyển cơ bản, tuy nhiên, thực hiện được điều này không dễ.

Trái ngược với sự ế ẩm của nhiều trường nghề hiện nay, mã ngành may của trường Cao đẳng Công Thương Hải Dương lại thu hút rất đông học viên đến nỗi nhà trường còn phải tận dụng cả phòng hội trường để bổ sung thêm các máy thực hành. Ngành điện tử cũng đông học viên đến mức phải xin chỉ tiêu tuyển sinh thêm 500 người nhưng cũng chỉ được chấp thuận 300.

Hàng năm, Bộ Công Thương cấp cho trường khoảng 7 tỷ đồng nhưng để trả lương cho cán bộ công nhân viên cũng chưa đủ. Năm 2020, dự kiến nhà trường chi khoảng 20 tỷ đồng. Để hoạt động chung, nhà trường cũng có rất nhiều khó khăn.

Để kiếm được 13 tỷ đồng, trường chắc chắn phải tự "bơi". Còn "bơi" bằng cách nào thì vẫn phải nằm trong khuôn khổ cho phép. Chính sách cho tự do nhưng vẫn chưa thể... cởi trói.

Trường nghề "tăng tốc" để đổi mới

Tự chủ là yêu cầu cấp thiết đối với trường nghề, đặc biệt trong bối cảnh bội chi ngân sách Nhà nước và chủ trương giảm chi ngân sách thường xuyên. Do đó, việc sớm ban hành Nghị định quy định cơ chế tự chủ của cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập là cần thiết. Điều này góp phần thực hiện việc dần trao quyền tự chủ, đi kèm với đó là đổi mới cơ chế tài chính của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Trường nghề đang rẽ lối để bứt phá? - Ảnh 3.

Đã xa rồi cái thời các thầy cô chỉ ngồi một chỗ rồi đợi học viên đến. Việc các cán bộ đến các trường cấp 2, cấp 3 để mời gọi học viên không còn là chuyện hiếm thấy. Các khóa học nghề giờ cũng phải thực tế hơn với nhu cầu người học, trong đó đặc biệt chú trọng đến các chương trình đào tạo ngắn hạn, chỉ kéo dài từ 1 đến 3 tháng.

Việc đẩy mạnh đầu tư về cơ sở vật chất cũng được đặt làm trọng tâm như các thiết bị giảng dạy của ngành điện, điện tử đã được một trường đầu tư tới 3 tỷ đồng. Sau đó, trường chi tiếp hơn 1 tỷ đồng nữa để sắm 1 ô tô đời mới phục vụ chuyên ngành công nghệ ô tô.

Không những thế, trường công lập nhưng dịch vụ không thua kém gì tư thục. Hàng ngày, ở đây còn có dịch vụ đưa đón miễn phí đối với học viên ở 3 huyện xung quanh trường.

Hơn 255.000 thí sinh từ bỏ cuộc đua đại học, cao đẳng để đi học nghề

Trường nghề đang rẽ lối để bứt phá? - Ảnh 4.

Cùng với sự đổi mới từ tư duy dạy và học đến việc luôn đưa ra những cam kết hấp dẫn về khả năng kiếm được việc làm và thu nhập cao, trường nghề đang dần chứng tỏ sức hấp dẫn mà mình mang lại cho học viên, hứa hẹn 1 năm đầy bứt phá dù vẫn còn đó những khó khăn.

Tính đến nay, cả nước có gần 900.000 thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT năm 2020. Trong số này, có hơn 640.000 thí sinh đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng. Như vậy, còn khoảng 255.000 thí sinh chỉ thi để xét tốt nghiệp THPT mà không có nhu cầu vào Đại học, Cao đẳng. Đây có thể là tín hiệu vui, cơ hội tốt cho các trường nghề bứt phá.

Học nghề để có việc làm, tích lũy được các kinh nghiệm thực tiễn là câu chuyện không lạ, tư duy này cũng chẳng phải là mới. Kêu gọi các em vào trường nghề không chỉ để cho đủ chỉ tiêu, để lấp đầy những phòng học trống mà quan trọng hơn là mang đến cho các em những giá trị thực tế sau khi học nghề. Học nghề để làm chủ, tại sao không?

Học nghề sau khi tốt nghiệp THCS: Thêm con đường lập nghiệp cho giới trẻ Học nghề sau khi tốt nghiệp THCS: Thêm con đường lập nghiệp cho giới trẻ Nghề nào chọn em? Việc nào em chọn? - Cẩm nang tư vấn nghề nghiệp dành cho học sinh Nghề nào chọn em? Việc nào em chọn? - Cẩm nang tư vấn nghề nghiệp dành cho học sinh Tuyển sinh trường nghề: Nhổ cọc đi tìm trâu Tuyển sinh trường nghề: Nhổ cọc đi tìm trâu

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước