Hôm nay (24/3), tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chủ trì Hội nghị về tình hình thực hiện quy chế dân chủ trong cơ sở giáo dục và đào tạo. Hội nghị được tổ chức trong bối cảnh một loạt vụ việc cho thấy dấu hiệu thiếu dân chủ cơ sở ở một số nhà trường.
Ngay phần mở đầu Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã yêu cầu đại diện các Bộ, ngành thẳng thắn trả lời 3 câu hỏi: Việc thực hiện quy chế dân chủ ở các cơ sở giáo dục hiện nay đã tốt chưa?; Các văn bản chỉ đạo về dân chủ cơ sở đã đủ chưa?; Nếu chưa thực sự dân chủ thì lý do vì sao?.
Trả lời 3 câu hỏi này, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thị Nghĩa cho biết: Các văn bản chỉ đạo việc thực hiện quy chế dân chủ cơ sở đều đã ban hành đầy đủ. Tình trạng thiếu dân chủ có xảy ra ở một số cơ sở giáo dục và chỉ là những vụ việc cá biệt.
Quản lý gần 2.000 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cũng cho rằng, về cơ bản, quy chế dân chủ cơ sở được thực hiện tốt, cá biệt chỉ có một số ít đơn vị vi phạm.
Khi Phó Thủ tướng hỏi: "Toàn hệ thống đại học, cao đẳng có bao nhiêu trường hiện đã có Hội đồng trường?", cả Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đều không nắm được con số thống kê chính xác. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng: Nếu chưa nhìn thẳng vào sự thật thì không thể cải thiện được tình hình.
Tại Hội nghị, nhiều ý kiến cho rằng, hiện nay, quyền lực giao cho Hiệu trưởng các trường là quá lớn, quyền gắn với lợi ích chặt chẽ khiến nhiều sự việc bị lãnh đạo một số trường bưng bít bằng mọi giá. Trong khi đó, công tác giám sát, phản biện chưa đủ mạnh, chủ yếu vẫn là cấp dưới kiêm nhiệm. Chính vì vậy, công tác dân chủ không thể đi vào thực chất. Việc nhiều trường đại học chần chừ chưa thành lập Hội đồng trường, tổ chức quản trị, giám sát các hoạt động của trường cũng được đánh giá là gây ảnh hưởng tới việc thực thi dân chủ trong các cơ sở giáo dục đại học.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!