Vùng cao dạy chương trình giáo dục phổ thông mới: Cái khó ló cái khôn

Hoài Thương-Thứ ba, ngày 06/09/2022 11:19 GMT+7

VTV.vn - Luân phiên giáo viên các cấp học, huy động cán bộ văn hóa dạy nghệ thuật... là những phương án được các trường vùng cao áp dụng để đảm bảo chương trình mới cho học sinh.

Trong thông điệp đầu năm học mới, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết, năm học mới 2022-2023 được xác định là năm trọng tâm triển khai nhiệm vụ đổi mới giáo dục ở bậc phổ thông, thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Những việc mà ngành Giáo dục phải làm phía trước vẫn còn đầy thách thức trong đó, giải quyết bài toán thiếu giáo viên tại các địa phương đang là vấn đề được đặt lên hàng đầu. Ở thành thị, thiếu giáo viên do quá tải trường lớp, còn vùng núi lại không tuyển đủ giáo viên dù có chỉ tiêu đặc biệt với các địa bàn vùng cao thì giáo viên Tin học và tiếng Anh là hạn chế nhất.

Tại trường Tiểu học Ngọc Sỹ (huyện Hà Quảng, Cao Bằng), cả thư viện và phòng của ban giám hiệu nhà trường trở thành nơi chứa đồ đạc phục vụ năm học mới. Ngôi trường này đang tồn tại 2 không là không có phòng học cho môn Tin học, Ngoại ngữ và cũng không có giáo viên dạy các môn học này.

"Nhà trường mong mỏi được cấp trên bố trí cho nhà trường giáo viên tiếng Anh để học sinh lớp 3 được tiếp cận tiếng Anh", bà Triệu Thị Nga, Phó Hiệu trưởng trường Tiểu học Ngọc Sỹ cho biết.

Vùng cao dạy chương trình giáo dục phổ thông mới: Cái khó ló cái khôn - Ảnh 1.

Một lớp học trên vùng cao

Thời điểm này, nhiều thầy cô được cử đi học cấp tốc 1 tháng để lấy bằng Tin học. Điều này có nghĩa là từ giờ cho tới tháng 10, khi giáo viên chưa có bằng trong tay, học sinh sẽ chưa được học bộ môn Tin học.

Bà Tô Thị Thi, Phó Trưởng Phòng Giáo dục huyện Hà Quảng cho biết: "Với môn Tin học chúng tôi chỉ tuyển được 3 giáo viên. So với số trường hiện tại, chúng tôi thiếu 20 người. Còn giáo viên Tiếng Anh thì chỉ đáp ứng được một nửa".

Dù thiếu giáo viên nhưng nghịch lý là địa phương này lại không có nguồn tuyển. Năm vừa qua, tỉnh Cao Bằng chỉ tuyển được hơn 300 người, trong khi chỉ tiêu mới là 510 cán bộ. Trong đó, có những giáo viên đến nhận công tác đã bỏ việc sau 1 tuần.

Theo ông Vũ Văn Dương, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Cao Bằng: "Thiếu đến hàng trăm giáo viên tiểu học do thiếu nguồn tuyển, trong đó các em bằng cao đẳng thì có nhưng đại học thì chưa. Rất nhiều em đi học rồi nhưng chưa kịp ra trường để làm nguồn tuyển cho đợt tuyển vừa rồi".

Ông Lê Hải Hòa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng cho rằng: "Chúng ta phải thu hút được người trẻ về. Ví dụ lương phải cao hơn, vượt trội hơn nữa, sau một thời gian cống hiến phải có đầu ra. Tôi cho rằng cần có sự quan tâm của trung ương, hỗ trợ có mục tiêu đối với vùng khó khăn như Cao Bằng".

Để giải quyết tạm thời, tỉnh Cao Bằng cho phép các cơ sở giáo dục tuyển giáo viên hợp đồng là những người đã nghỉ hưu hoặc sinh viên sư phạm mới tốt nghiệp.

Toàn tỉnh Cao Bằng có gần 630 trường học với hàng trăm điểm trường lẻ. Làm thế nào để mỗi trường có 1 phòng học máy tính, mỗi em nhỏ vùng cao được tiếp cận chương trình mới một cách bài bản là băn khoăn của mỗi trường khi bước vào năm học mới. Không chỉ cần giáo viên giảng dạy, cơ sở vật chất cũng là bài toán muôn thủa với vùng cao. Một số trường hiện đã linh hoạt thực hiện phương án là vận động thêm nguồn lực xã hội.

Bên cạnh đó, để tạm thời cung ứng đủ giáo viên cho Chương trình giáo dục phổ thông mới, đảm bảo 100% học sinh từ lớp 3 phải được học đủ các môn học bắt buộc thì các trường vùng cao đang thực hiện phương án luân phiên.

Cụ thể, tạm thời sử dụng giáo viên cấp THCS để dạy cả cấp Tiểu học. Những giáo viên được cử đi học để lấy bằng Tin học cũng có thể đứng lớp ngay trong năm học này. Đối với môn Mỹ thuật và Âm nhạc của chương trình lớp 10, nhiều địa phương đưa ra phương án tận dụng người có chuyên môn ở ngành văn hóa, nghệ thuật để hỗ trợ việc giảng dạy. Bên cạnh đó, một số nơi cũng cho các trường sử dụng giáo viên hợp đồng để tạm lấp chỗ trống...

"Cái khó ló cái khôn" nhưng chắc chắn vẫn cần những biện pháp căn cơ, kế hoạch lâu dài cho việc dạy và học của các địa bàn vùng cao, nhất là khi áp dụng chương trình mới. Tuy nhiên, chính ở những nơi khó khăn nhất thì chúng ta sẽ lại càng thấy được nỗ lực của các giáo viên để gieo con chữ.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước