Bề dày nghiên cứu về Hoàng Sa, Trường Sa: Khối tài sản khổng lồ về biển đảo

Tấn Quýnh-Thứ năm, ngày 15/05/2014 06:09 GMT+7

Bề dày nghiên cứu về Hoàng Sa, Trường Sa tại Viện Hải dương học được giới chuyên môn đánh giá là khối tài sản khổng lồ khi mang lại giá trị tri thức về biển đảo.

Giới khoa học quốc tế từ lâu đã biết đến bề dày các công trình nghiên cứu về Hoàng Sa, Trường Sa mà Viện Hải dương học (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) đã thực hiện. Những công trình nghiên cứu này được thực hiện từ những năm 1920 và được bổ sung trong suốt hơn 90 năm hình thành phát triển của Viện Hải dương học. Như vậy, từ rất lâu, trong dữ liệu khoa học biển của Việt Nam đã có phần đóng góp không nhỏ những công trình nghiên cứu được thực hiện ở Hoàng Sa, Trường Sa. Đây là vốn tri thức quan trọng để các ngành quản lý và người dân hiểu hơn về vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Bức ảnh về chiếc tàu De Lanessan có mặt ở Hoàng Sa năm 1926 và Trường Sa năm 1927 được lưu giữ tại Bảo tàng Viện Hải dương học như là một lời khẳng định rằng, ngay từ những năm 1920, giới khoa học biển Việt Nam đã có mặt ở hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

‘ Mẫu sinh vật biển tại khu vực Hoàng Sa - Trường Sa. Ảnh: Kienthuc.net

Nội dung nghiên cứu của các chuyến khảo sát này rất đa dạng: từ địa lý, địa chất, thủy văn động lực biển đến những sinh vật trên đảo và dưới biển. Khoa học biển về Hoàng Sa và Trường Sa đã có chiều dài thời gian và bề dày các công trình nghiên cứu được tiếp nối bởi nhiều thế hệ các nhà khoa học Việt Nam.

PGS.TS. Võ Sĩ Tuấn, Viện trưởng Viện Hải dương học cho biết: “Viện Hải dương học do người Pháp lập vào năm 1922, ngay sau đó, vào năm 1925, các chuyến khảo sát đã triển khai nhiều vùng biển, trong đó có Hoàng Sa, Trường Sa. Từ năm 1925 đến 1953, ngành Hải dương học đã có 7 chuyến khảo sát quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Điều đặc biệt trong hệ thống khảo sát định kỳ trên biển thời ấy, thiết lập 500 trạm, trong đó có hai trạm tại Cầu Đá Nha Trang và Hoàng Sa”.

Từ tháng 6/2011, Phòng trưng bày tài nguyên biển đảo Hoàng Sa, Trường Sa được Viện Hải dương học xây dựng và giới thiệu đến công chúng một phần những kết quả nghiên cứu về Hoàng Sa, Trường Sa. Ba năm qua, nơi đây thực sự là địa chỉ để mọi người hiểu hơn về biển Việt Nam, đặc biệt là hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Ở đây có những bản đồ được các nhà khoa học biển thế giới vẽ lại trong những chuyến khảo sát biển Đông. Những bản đồ này cho thấy, Hoàng Sa, Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam. Những văn bản này cũng cho thấy, ngay từ năm 1834, vua Minh Mạng đã cử người ra Hoàng Sa. Những bức ảnh ghi lại Hoàng Sa thời điểm những năm trước 1940: bức tượng Phật Quan âm do người dân Việt Nam xây dựng ở Hoàng Sa năm 1938; Bức ảnh về cột mốc do người Pháp xây dựng ở Hoàng Sa năm 1938 có ghi: Vương quốc An Nam… và hàng trăm mẫu sinh vật biển được mang về từ Hoàng Sa, Trường Sa.

Bề dày nghiên cứu về Hoàng Sa, Trường Sa tại Viện Hải dương học được giới chuyên môn đánh giá là khối tài sản khổng lồ khi mang lại giá trị tri thức về biển đảo. Cùng với việc xuất bản các công trình nghiên cứu, cung cấp dẫn liệu khoa học cơ bản về biển Việt Nam, những nhà khoa học ở đây cũng đã có những cách thức để tri thức về Hoàng Sa, Trường Sa đến với mọi người dân.

PGS.TS. Võ Sĩ Tuấn cho rằng: “Không chỉ phục vụ nghiên cứu khoa học, phát triển kinh tế xã hội, mà phải làm sao để người dân hiểu hơn về những quần đảo này, qua đó nâng cao tinh thần yêu nước, góp phần phát triển kinh tế biển cũng như bảo vệ chủ quyền quốc gia”.

Kết quả từ những nghiên cứu khoa học biển về Hoàng Sa, Trường Sa đang được đưa đến mọi người. Với một chuyến tham quan phòng trưng bày tài nguyên biển đảo Hoàng Sa, Trường Sa, nhiều người có thể chưa hiểu hết tri thức về biển, nhưng một điều chắc chắn bất cứ ai đến đây cũng cảm thấy như đang được ở giữa vùng biển đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Tổ quốc.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước