Ông Đặng Ngọc Tùng - UVTW Đảng, Chủ tịch Tổng liên đoàn lao động Việt Nam - tại Sự kiện & Bình luận sáng nay (24/5).
Vào lúc này, cùng với sự quan tâm về chủ quyền biển đảo thì chúng ta càng cảm nhận sâu sắc hơn vai trò và vị trí của ngư dân trong việc đánh bắt xa bờ. Những ngư dân hàng ngày vươn khơi bám biển chính là những người vừa khai thác nguồn lợi kinh tế giàu có vừa góp phần bảo vệ quyền và chủ quyền của Việt Nam trong vùng đặc quyền kinh tế của mình. Vậy, ngư dân cần những gì để yên tâm ra khơi?
Câu hỏi này sẽ được giải đáp khi chúng ta cùng tham gia cuộc toạ đàm với hai vị khách mời của Sự kiện & Bình luận sáng nay (24/5) - ông Đặng Ngọc Tùng, UVTƯ Đảng, Chủ tịch Tổng liên đoàn lao động Việt Nam và PGS-TS Chu Hồi, Uỷ viên hội nghề cá Việt Nam, Nguyên Phó Tổng Cục trưởng Cục biển và đảo Việt Nam.
Trong cuộc toạ đàm, ông Đặng Ngọc Tùng cho biết, với tình hình căng thẳng hiện nay tại biển Đông, ngư dân Việt Nam cũng gặp nhiều khó khăn hơn trong việc khai thác thuỷ hải sản.
"Ngư dân của chúng ta, đặc biệt ở khu vực miền Trung coi Hoàng Sa và Trường Sa như vườn rau, ao cá của họ. Trong suốt thời gian qua họ vẫn kiên cường bám biển, đặc biệt ở khu vực Hoàng Sa và Trường Sa để khai thác. Vì thế, trong tình hình hiện tại, họ đang gặp rất nhiều khó khăn, thường xuyên gặp sự ngăn cản của phía Trung Quốc".
Theo ông Tùng, trong tình hình nóng bỏng hiện nay, ngư dân cần nhận được sự hỗ trợ để có thể yên tâm đánh bắt xa bờ, duy trì hoạt động khai thác hàng ngày của họ.
"Ngư dân rất cần những chuyến tàu lớn và có đủ xăng, dầu để đánh bắt cá ở môi trường này. Vì khi họ ra xa họ thường xuyên gặp phải sự quấy phá, xua đuổi của các tàu kiểm ngư và hải giám của Trung Quốc. Họ bị thu lưới, thu cá và việc này ảnh hưởng lớn đến đời sống của họ. Vì vậy, họ cần những nguồn vốn để mua sắm lại trang thiết bị, quay lại môi trường đó để khai thác. Đây là điều ngư dân của chúng ta rất cần và họ cũng cần những con tàu lớn hơn".
"Tàu của ngư dân chúng ta chủ yếu là những con tàu nhỏ, rất khó khăn trong việc đánh bắt xa bờ nên cần những con tàu lớn. Nếu là tàu sắt thì càng tốt. Tuy nhiên, giá trị của những chiếc tàu sắt rất lớn và ngư dân của chúng ta không có đủ tiền để đóng những con tàu như vậy. Nên nếu có những chủ trương của Chính phủ hỗ trợ cho ngư dân để đóng những chiếc tàu sắt ấy thì rất tốt".
"Tôi nghĩ Chính phủ có thể bỏ ra một nguồn vốn đóng những chiếc tàu sắt ấy và cho ngư dân thuê. Có như vậy thì ngư dân mới có được những con tàu lớn để bám biển, bám môi trường, vừa nuôi sống được gia đình vừa phát triển được kinh tế đất nước".
Để nghe trọn vẹn cuộc toạ đàm của hai khách mời tại Sự kiện & Bình luận, bạn hãy click vào video dưới đây: