Hội thảo quốc tế về Biển Đông tại Ba Lan

Hồng Quang -Thứ sáu, ngày 04/07/2014 11:06 GMT+7

Ngày 3/7, tại thành phố Warszawa, Viện Khoa học và Văn hóa Việt Nam thuộc trường Đại học Almamel, Ba Lan đã tổ chức Hội thảo quốc tế về Biển Đông với chủ đề “Chủ quyền trên các quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa”.

Tại hội thảo, các học giả cho rằng, các tranh chấp về chủ quyền đối với các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa bắt đầu diễn ra kể từ thời Pháp thuộc, nhưng việc Trung Quốc công khai di chuyển giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng thềm lục địa và đặc quyền kinh tế của Việt Nam cùng sự yểm trợ của đông đảo tàu cá, tàu hải cảnh và quân sự là thực sự đáng lo ngại, có thể đưa đến xung đột đang tiềm ẩn trong khu vực.

Ông Rafal Tomanski, Học giả, nhà báo Gazety Rzeczpospolitej nói: “Tất cả các bước mà Trung Quốc đang tiến hành như phá hủy tàu Việt Nam, tấn công tàu cá và ngư dân Việt Nam không phải là biện pháp giải quyết. Giải pháp tốt nhất chỉ có thể là phương pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp và đàm phán”.

‘ (Nguồn: TTXVN)

Ông Piotr Gadzinowski, Cựu nghị sĩ Ba Lan nhận định: “Đây không phải chỉ là mâu thuẫn giữa Trung Quốc và Việt Nam, mà là mâu thuẫn Trung Quốc với các nước còn lại trong khu vực như Philippines, Malaysia, Brunei, thậm chí cả Indonesia mới đây cũng tuyên bố chống lại chính sách của Trung Quốc”.

Nhiều ý kiến cũng cho rằng, sau khi đạt được vị thế về kinh tế, Trung Quốc đang tìm cách thay đổi trật tự quốc tế cũ mà nước này đánh giá là không công bằng. Hành động đưa các giàn khoan và xây dựng đảo nhân tạo là những vấn đề chưa từng có tiền lệ trong lịch sử quốc tế và cũng chưa có luật pháp quốc tế để áp chế Trung Quốc. Tuy vậy, việc khởi kiện Trung Quốc là cần thiết nhưng cũng cần tính toán kỹ.

Giáo sư Małgorzata Pietrasiak, Chuyên ngành Quan hệ quốc tế - Đại học Tổng hợp Łódzki, Ba Lan nêu ý kiến: “Dĩ nhiên, vẫn còn biện pháp pháp lý và Việt Nam hoàn toàn có thể sử dụng biện pháp này. Thế nhưng hiệu quả chỉ có thể đạt được khi tất cả các bên liên quan đều phải chấp nhận phán quyết của tòa án”.

Tuy nhiên, ông Piotr Gadzinowski, Cựu nghị sĩ Ba Lan lại cho rằng: “Thực tế từ trước đến nay và kinh nghiệm của Philippines chỉ ra rằng, Trung Quốc sẽ không chấp nhận phán quyết của tòa án”.

Cũng tại hội thảo, cộng đồng người Việt tại Ba Lan đã gửi tới các học giả hai tập bản đồ Atlas do nhà xuất bản Hansa-Ausgabe của Tây Đức ấn hành năm 1896, trong đó nêu rõ cực Nam của Trung Quốc giới hạn ở đảo Hải Nam. Dự kiến, hai tập bản đồ trên sẽ được chuyển về trong nước thời gian tới để góp thêm bằng chứng khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước