Giới phân tích lên án chiến lược của Trung Quốc ở Biển Đông

Hương Linh-Thứ năm, ngày 03/07/2014 19:25 GMT+7

Các nhà phân tích đều cho rằng, những hành động đơn phương của Trung Quốc đã gây bất ổn nghiêm trọng, biến Biển Đông trở thành một điểm nóng dễ bùng phát trong khu vực châu Á Thái Bình Dương.

Hai tháng kể từ khi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 tại vùng Biển của Việt Nam và đến nay họ đang tiếp tục điều thêm giàn khoan cũng như tàu thăm dò địa chất vào vùng chồng lấn ở Vịnh Bắc Bộ chưa phân định ranh giới giữa Trung Quốc và Việt Nam. Hành động leo thang căng thẳng này trên thực địa, cùng với việc từ chối các nỗ lực ngoại giao nhằm hạ nhiệt căng thẳng đã bộc lộ âm mưu thôn tính Biển Đông của Trung Quốc. Việc Trung Quốc công bố bản đồ khổ dọc mới, trong đó, đường đứt đoạn bao trùm gần như toàn bộ diện tích biển Đông được vẽ thêm 1 đoạn nữa trở thành đường 10 đoạn, càng cho thấy sự phi lý trong các tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông của Trung Quốc.

Nhận xét về hành động của Trung Quốc trong việc hiện thực hóa các tuyên bố chủ quyền vô căn cứ của mình trên Biển Đông trong thời gian gần đây, các nhà phân tích đều cho rằng, những hành động đơn phương của Trung Quốc đã gây bất ổn nghiêm trọng, biến Biển Đông trở thành một điểm nóng dễ bùng phát trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Họ đặc biệt lo ngại về việc Trung Quốc mở rộng ranh giới trong yêu sách chủ quyền đường 9 đoạn trên Biển Đông. Đáng lưu ý là đến nay Trung Quốc vẫn chưa hề cung cấp tọa độ chính xác của đường 9 đoạn.

Ông Gregory Pooling, Trung tâm nghiên cứu Đông Nam Á- Viện nghiên cứu chính sách chiến lược quốc tế Mỹ ISIS cho biết: “Đường 9 đoạn thật sự là sai trái và đi ngược lại luật pháp quốc tế vì nó không dựa trên cơ sở gì, chúng ta thậm chí còn không biết nó nghĩa là gì. Trung Quốc giải thích về đường 9 đoạn cũng rất khác nhau, lúc thì thế này, lúc thì thế khác. Tôi cho rằng, Chính phủ Trung Quốc không chỉ chủ trương yêu sách toàn bộ vùng biển trong đường 9 đoạn mà họ còn muốn thôn tính nguồn lợi về ngư nghiệp và dầu mỏ trong đó. Rõ ràng điều này đi ngược lại luật pháp quốc tế. Thật khó có thể nhìn thấy một lý lẽ nào thuyết phục từ phía Bắc Kinh và tôi cho rằng, quan điểm đó là sai trái”.

Tiến sỹ Issac Kardon, Chuyên gia Luật Quốc tế, Đại Học Cornell, Mỹ nói: “Với khía cạnh pháp lý về đường 9 đoạn, tôi nghĩ rằng, nó rất đáng ngờ, và không có ý nghĩa về mặt pháp lý. Còn trên thực địa, chúng ta thấy các lực lượng thực thi luật pháp của Trung Quốc, cả hải quân Trung Quốc đều hành xử như thể khu vực trong đường 9 đoạn là vùng đặc quyền kinh tế của Trung Quốc. Nói tóm lại, tôi thấy tuyên bố chủ quyền của đường 9 đoạn là phi lý, vô nghĩa và nhập nhằng”.

Giáo sư Jerome Cohen, Chủ tịch Viện luật pháp Hoa Kỳ- châu Á chia sẻ: “Cá nhân tôi cho rằng, tuyên bố đường 9 đoạn của Trung Quốc là hoang tưởng và mơ hồ. Tôi cho rằng, Trung Quốc không có cơ sở pháp lý cho yêu sách đường 9 đoạn của mình. Dư luận quốc tế đang chờ đợi để Trung Quốc đưa ra lập luận chứng minh yêu sách của họ, nhưng Trung Quốc không làm được điều đó”.

Các nhà phân tích gọi sự leo thang trong các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc là chiến lược cắt lát salami trên Biển Đông và họ đã lên án mạnh mẽ chính sách này của Trung Quốc.

Tiến sỹ Patrick Cronin, Trung tâm nghiên cứu an ninh Mỹ mới CNAS cho biết: “Tôi nghĩ Trung Quốc có một chiến lược rất rõ ràng, họ muốn thay đổi hiện trạng trên Biển Đông, họ muốn củng cố và duy trì những khu vực mà họ bành trướng trên Biển Đông theo yêu sách đường 9 đoạn và họ đang thực hiện điều đó một cách nhanh chóng. Họ đang leo thang căng thẳng từng bước một. Như ở trên biển, họ sử dụng hành động đâm va vào các tàu của Việt Nam, ngăn cản tàu Việt Nam hoạt động ở khu vực. Đó là một cách hành xử tồi tệ. Và nó gây bất ổn ở vùng biển Đông”.

Giáo sư Leszek Buszynski, Chuyên gia Trường An ninh Quốc gia, Đại học Quốc gia Australia nói: “Tôi nghĩ điều nguy hiểm hơn là họ đang muốn đi xa hơn tuyên bố chủ quyền về đường 9 đoạn. Đường 9 đoạn chỉ là một phần trong yêu sách chủ quyền của họ trên Biển Đông. Từ đường 9 đoạn họ coi Biển Đông là vùng biển lịch sử của họ”.

Các hành động của Trung Quốc như việc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng biển của Việt Nam là một bước đi nhằm hiện thực hóa yêu sách chủ quyền đường 9 đoạn. Đây là những tính toán mang tính sách lược và nó nằm trong một chiến lược tổng thể của Trung Quốc muốn vươn lên là một cường quốc Biển ở châu Á- Thái Bình Dương.

Chiến lược này đang được Trung Quốc tiến hành theo từng tầng nấc bắt đầu từ những yêu sách về chủ quyền cho tới những hành động biến các vùng biển không tranh chấp thành có tranh chấp để từ đó hiện thực hóa âm mưu độc chiếm Biển Đông. Việt Nam cùng với dư luận thế giới đang lên tiếng yêu cầu Trung Quốc tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của LHQ về luật biển. Chỉ có việc tuân thủ luật pháp quốc tế mới có thể là lời giải cho những bất đồng trên Biển Đông hiện nay.

Mời quý vị và các bạn theo dõi phóng sự qua video sau

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước