Khẳng định chủ quyền biển đảo từ công tác tuyên truyền

Ngọc Bích-Thứ sáu, ngày 04/07/2014 09:16 GMT+7

Để tuyên truyền hiệu quả những bằng chứng pháp lý khẳng định Hoàng Sa, Trường Sa thuộc chủ quyền biển đảo Việt Nam đến với công chúng là một việc làm đòi hỏi không chỉ ở các hoạt động bề nổi, mà cần phải có những hình thức tuyên truyền mang tính lâu dài, sâu rộng.

Hàng chục cuộc triển lãm, trưng bày tư liệu “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - những bằng chứng lịch sử và pháp lý” đã được Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức ở các tỉnh, thành trên cả nước từ đầu năm đến nay đã phần nào giúp người dân hiểu rằng hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đã được Việt Nam khai phá, xác lập, thực thi và bảo vệ chủ quyền quốc gia từ thời phong kiến đến nay. Hình ảnh trên các bản đồ, atlas, tài liệu của nhiều quốc gia trên thế giới chứng minh cực Nam lãnh thổ Trung Quốc từ xa xưa chỉ đến đảo Hải Nam. Đây là những bằng chứng pháp lý, khẳng định Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam.

Việc Trung Quốc ngang nhiên hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 vào sâu trong thềm lục địa Việt Nam đã dấy lên sự bất bình của dư luận trong nước và quốc tế. Do vậy, cùng với công tác tuyên truyền các bằng chứng pháp lý về chủ quyền của Việt Nam thì Việt Nam cũng cần trang bị cho mọi tầng lớp nhân dân những hiểu biết cụ thể về chủ quyền hợp pháp của nước ta đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, bao gồm cả những cứ liệu lịch sử và những cơ sở pháp lý quốc tế; đồng thời tăng cường công tác giáo dục về lịch sử xác lập chủ quyền cũng như quá trình khai phá, xác lập, thực thi và bảo vệ chủ quyền quốc gia đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Tiến sỹ Trần Đức Anh Sơn, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Kinh tế Xã hội Đà Nẵng cho rằng: “Cách tuyên truyền qua triển lãm hiện vật, bản đồ đã tốt nhưng cũng nên đưa các tư liệu, chứng cứ lịch sử này vào sách giáo khoa để giáo dục cho học sinh, các thế hệ về lòng yêu nước. Cũng cần in, dịch ra nhiều thứ tiếng về các bằng chứng khẳng định Hoàng Sa và Trường Sa để nhiều người trong và ngoài nước đều biết”.

Giải quyết tranh chấp biển, đảo là một nhiệm vụ lâu dài, phức tạp do vậy vấn đề cần đặt ra lúc này là Việt Nam cần phải tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền chủ quyền biển đảo. Đồng thời tiếp tục nghiên cứu, đưa ra những bằng chứng pháp lý khẳng định Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam để làm cơ sở bác bỏ những luận điệu xuyên tạc lịch sử, những yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam trong thời gian gần đây.

Video sau đây sẽ phản ánh chi tiết nội dung này:

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước