Trung Quốc và mưu đồ độc chiếm Biển Đông

Thời sự VTV-Thứ năm, ngày 22/05/2014 21:19 GMT+7

Việc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam không chỉ là một hành động vi phạm luật pháp quốc tế, công ước Luật biển của LHQ năm 1982, mà còn đánh dấu một sự leo thang nguy hiểm trong một mưu đồ chính trị được tính toán từ lâu của Trung Quốc.

Giáo sư Ngô Như Bình, Giám đốc Chương trình tiếng Việt, khoa Ngôn ngữ và Văn minh Đông Á, Đại học Harvard, Mỹ về biển Đông cho biết: “Theo tôi mục tiêu kinh tế là không quan trọng. Vì người ta tính mỗi ngày Trung Quốc phải bỏ ra đến mấy trăm nghìn USD, hơn 300.000 USD để duy trì giàn khoan ấy mà không biết nó có đem lại lợi ích kinh tế nào không, không biết nó có tìm được dầu hay không. Còn mục tiêu về mặt chính trị thì có lẽ rõ hơn”.

Do đó, việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981 vào vùng biển của Việt Nam đã bộc lộ rõ ý đồ của Bắc Kinh chính là để hiện thực hóa yêu sách đường biên giới biển “lưỡi bò” phi lý của họ.

Ông Ngô Thường San, Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam nói: “Đây không phải là hoạt động kinh tế mà là hoạt động quân sự. Họ muốn đưa giàn khoan ra vị trí đó để khẳng định nơi này là đất của họ, biến vùng biển của chúng ta thành tranh chấp. Nguy hiểm hơn, đây là bước đi ban đầu và sau này họ sẽ lấn dần xuống phía Nam để mà thực hiện mưu toan họ từng tuyên bố. Đó là cái đường lưỡi bò, là diện tích biển Đông.”

Đường lưỡi bò”, “Đường chữ U”, hay “Đường chín đoạn” chỉ là các cách gọi khác nhau về yêu sách phi lý với một toan tính hòng giành lấy quyền kiểm soát hơn 80% diện tích của Biển Đông với 3 mục đích lớn. Đó là chi phối con đường hàng hải quan trọng bậc nhất thế giới. Từ đó khống chế các nước Đông Nam Á, trong đó Việt Nam là cửa ngõ và cuối cùng mới là khai thác dầu khí.

Theo tiến sỹ Marvin C. Ott, Giáo sư thuộc Trường Đại học John Hopkins, quyết tâm của Trung Quốc nhằm kiểm soát các vùng đất và nước tại Biển Đông là rất rõ ràng trong suốt một thời gian dài.

Tiến sỹ Marvin C. Ott Giáo sư Đại học John Hopkins chia sẻ: “Những gì xảy ra trong vài năm gần đây cho thấy, Trung Quốc đã nhanh chóng tăng cường năng lực hải quân, không quân nhằm mở rộng quyền lực và kiểm soát tại Biển Đông. Trong một loạt các vụ việc như thế, thì đáng kể gần đây nhất là tranh chấp với Philippines tại bãi cạn Scarborough. Việc Trung Quốc đưa giàn khoan vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, nhìn có vẻ khác, nhưng thực ra là cùng một kiểu vụ việc đã xảy ra với Philippines”.

Cũng theo tiến sỹ Marvin C. Ott, cái gọi là đường lưỡi bò mà Trung Quốc vẽ ra suốt mấy chục năm qua là hoàn toàn vô giá trị trước luật pháp quốc tế.

“Nếu theo đánh giá của hầu như tất cả các chuyên gia luật pháp bên ngoài, thì đường lưỡi bò 9 đoạn mà Trung Quốc đưa ra không có giá trị pháp lý gì trong luật pháp quốc tế. Nên theo tôi, cách mà Philippines thách thức tuyên bố đường lưỡi bò của Trung Quốc tại một toà án quốc tế là hành động rất khôn khéo và có ý nghĩa. Hầu như tất cả các luật sư quốc tế đều tin là Philippines sẽ thắng. Chắc chắn là vụ kiện sẽ mất vài năm, nhưng chắc chắn là Philippines sẽ thắng, và điều này sẽ tạo ra một cơ sở pháp lý quốc tế khẳng định: đường lưỡi bò 9 đoạn của Trung Quốc là bất hợp pháp. Việc Philippines kiện Trung Quốc có khả năng tạo ra lợi ích chung rất lớn cho các nước trong khu vực ”, Tiến sỹ Marvin C. Ott cho biết thêm.

Và cuối cùng, dư luận thế giới cũng khẳng định một điều chắc chắn rằng bằng những hành động thúc đẩy việc hiện thực hóa tham vọng độc chiếm Biển Đông, Trung Quốc sẽ dần đánh mất niềm tin của cộng đồng thế giới cũng như hình ảnh của một cường quốc mới nổi có trách nhiệm mà nước này đang nỗ lực xây dựng.

Mời quý vị theo dõi chuyên đề về biển Đông trong bản tin Thời sự 19h ngày 22/05/2014 của Đài Truyền hình Việt Nam qua video sau đây

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước