Hòa vốn thậm chí thua lỗ là tình cảnh của Công ty lương thực Đồng Tháp trong năm nay. 63.000 tấn gạo mua theo chính sách tạm trữ đã bán ra dưới giá thành. Công ty đã xuất khẩu trực tiếp và cung ứng xuất khẩu được thêm 240.000 tấn nhưng tất cả cũng chỉ đủ bù lỗ. Mua giá cao, bán giá thấp, câu chuyện tương tự cũng đã xảy ra với nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo ở ĐBSCL năm 2013.
‘ Xuất khẩu gạo chỉ đạt 87% so với dự kiến
Theo nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo ĐBSCL, khả năng đến cuối năm xuất khẩu sẽ ở mức 6,7 triệu tấn gạo, đạt kim ngạch khoảng 2,9 tỷ USD. Nguyên nhân do các hợp đồng liên Chính phủ năm qua đều giảm mạnh. Ngoài Trung Quốc, các thị trường truyền thống như Indonesia, Malaysia, Philippines đều ít nhập khẩu. Bên cạnh đó, gạo Việt Nam còn vấp phải sự cạnh tranh quyết liệt ở thị trường châu Phi khi Thái Lan xả hàng giảm giá bán gạo còn 400 USD/tấn.
Điểm nổi bật của thị trường gạo xuất khẩu là lượng gạo thơm năm 2013 có khả năng xuất khẩu trên 800.000 tấn, tăng trên 70% so với năm 2012. Đáng tiếc là xu thế này đã không được dự báo từ trước. Điều này đã dẫn tình trạng doanh nghiệp bị động chạy theo thị trường.
Hai lần hạ chỉ tiêu, nhưng đến cuối năm 2013, xuất khẩu gạo của Việt Nam đã không hoàn thành mục tiêu đã đề ra. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến doanh thu của các doanh nghiệp, kim ngạch xuất khẩu chung của các địa phương mà còn khiến thu nhập của người trồng lúa giảm sút nhiều. Phát triển giống lúa thơm, chất lượng có nên được xem là xu thế mới khi mà xuất khẩu gạo của Việt Nam trong năm 2014 dự báo sẽ còn tiếp tục gặp khó khăn?