Kinh tế TP Hồ Chí Minh năm nay tăng trưởng theo 3 kịch bản: thấp - trung bình - cao tương ứng 4,9%, 5,53% hoặc 6,37%, tùy thuộc vào kết quả khống chế COVID-19, tờ Vnexpress trích lời TS. Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Nghiên cứu Phát triển TP Hồ Chí Minh, cho hay.
Tuy nhiên tất cả kịch bản sẽ thất bại nếu Việt Nam không nhập được vaccine phòng COVID-19 và tiêm cho công dân, người lao động vì như vậy sản xuất rất bấp bênh và rủi ro.
Sản xuất sẽ rất bấp bênh và rủi ro nếu Việt Nam không nhập được vaccine phòng COVID-19 và tiêm cho công dân. (Ảnh minh họa: Báo Nhân dân)
Bên cạnh đó, theo các chuyên gia, kinh tế phục hồi nên tổng cầu hàng hóa tăng lên, dẫn đến giá cả một số mặt hàng quan trọng cũng tăng cao tác động nặng nề với ngành xây dựng, nông nghiệp cũng như đầu tư công. Mặc dù vậy, vẫn có điểm tích cực, kinh tế phục hồi dẫn đến nhu cầu hàng hóa tăng, thị trường cho các doanh nghiệp Việt Nam đang rất lớn.
“Dồn dập” đề xuất giảm thuế, giãn nợ cho doanh nghiệp vận tải
Trong khi đó, trước những ảnh hưởng nặng nề do liên tiếp các đợt dịch COVID-19 bùng phát, nhiều hiệp hội doanh nghiệp và Sở Giao thông các tỉnh, thành đã liên tục gửi đơn kiến nghị giảm phí, thuế, như giảm đến 5% lãi suất cho vay, giảm thuế giá trị gia tăng về 0%, theo VnEconomy.
Cụ thể, Sở Giao thông Vận tải TP Hồ Chí Minh đề xuất UBND thành phố đề nghị xem xét giảm lãi suất và giãn nợ đối với các khoản vay của các đơn vị kinh doanh vận tải trên địa bàn thành phố đã đầu tư phương tiện nhằm hỗ trợ cho các đơn vị ổn định hoạt động.
Trong khi đó, Hiệp hội vận tải Hải Phòng kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải và các ngành có liên quan giảm thuế giá trị gia tăng về 0% trong thời gian 12 tháng cho các doanh nghiệp kinh doanh vận tải, bến xe; giảm 50% lệ phí trước bạ cho các xe ô tô đăng ký mới để kinh doanh vận tải.
Doanh nghiệp kinh doanh vận tải chịu nhiều ảnh hưởng trong dịch bệnh. (Ảnh: NLĐ)
Trong khi doanh thu sụt giảm 70 - 80%, các khoản chi phí lớn phải trả như: lãi suất vay ngân hàng, tiền thuế, tiền thuê mặt bằng, bảo hiểm xã hội cho người lao động, phí kiểm định, phí sử dụng đường bộ, phí bến bãi… gần như là cố định, ảnh hưởng lớn đến đời sống và hoạt động ổn định của các đơn vị vận tải.
Thủy sản: Giải pháp nào hoàn thành mục tiêu 16 tỷ USD?
Năm 2021, ngành thủy sản đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 8,6 tỷ USD và đến năm 2030 đạt khoảng 16 tỷ USD. Đây là những con số đầy thách thức với ngành hàng này, theo báo Công Thương.
Nguyên nhân là do kênh phân phối sản phẩm thủy sản đứt gãy, gián đoạn ở nhiều thị trường xuất khẩu, giá thủy sản giảm, cảnh báo "thẻ vàng" về chống khai thác bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU) của EC đối với hải sản Việt Nam chưa được tháo dỡ.
Bên cạnh đó, xét về nội lực doanh nghiệp, các doanh nghiệp hiện nay thiếu sự liên kết chặt chẽ giữa cơ sở chế biến và doanh nghiệp chế biến thủy sản gây khó khăn cho công tác quản lý ổn định, cung cầu nguyên liệu thủy sản của địa phương hay ứng dụng khoa học công nghệ vào bảo quản thủy sản khai thác còn rất nhiều yếu kém.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!