5 tháng đầu năm, xuất khẩu rau quả thu hơn 1,8 tỷ USD

Ban Thời sự-Thứ tư, ngày 21/06/2023 14:32 GMT+7

VTV.vn - Trong bối cảnh khó khăn chung của các ngành hàng xuất khẩu, nhóm hàng nông sản, đặc biệt là rau quả nổi lên với điểm sáng khi liên tục bứt phá.

Chỉ tính riêng trong tháng 5 vừa qua, xuất khẩu rau quả của Việt Nam đã đạt hơn 466 triệu USD, tăng tới hơn 80% so với cùng kỳ năm 2022.

Còn tính chung 5 tháng đầu năm, xuất khẩu rau quả của Việt Nam đạt hơn 1,8 tỷ USD, tăng gần 29% so với cùng kỳ.

Trong các mặt hàng, sầu riêng tăng trưởng mạnh nhất, sau đó là thanh long, chuối, xoài, mít…, ngoài ra còn có dưa hấu, vải thiều.

Về cơ cấu thị trường, Trung Quốc vẫn đứng đầu, chiếm gần 59% thị phần, thứ hai là Mỹ, tiếp sau là Hàn Quốc, Nhật Bản, Hà Lan, Thái Lan, Đài Loan…

5 tháng đầu năm, xuất khẩu rau quả thu hơn 1,8 tỷ USD - Ảnh 1.

Nông dân thu hoạch sầu riêng tại vườn ở xã Trà Cổ, huyện Tân Phú (Đồng Nai). (Ảnh: TTXVN)

Với đà thuận lợi này, Hiệp hội Rau quả Việt Nam dự báo năm nay, kim ngạch xuất khẩu rau quả của nước ta sẽ có thể tăng so với năm ngoái từ 20 - 30%.

Chanh Việt Nam chiếm lĩnh thị trường vùng Vịnh

Triển vọng này được các chuyên gia đồng tình khi nông sản Việt đang được nhiều quốc gia ưa chuộng, thậm chí chiếm lĩnh vị trí số 1 ở một số thị trường. Điển hình là câu chuyện của quả chanh không hạt của Việt Nam tại các thị trường Vùng Vịnh. Chanh không hạt của Việt Nam hiện đang chiếm ưu thế cạnh tranh tuyệt đối tại không ít thị trường nơi đây. Nó đã trở thành loại quả phổ biến, được bày bán tại các siêu thị cho tới chợ bình dân.

Chanh Việt Nam nay không khó để tìm mua tại Dubai. Khu chợ đầu mối Ras Al Khor đều đặn nhập về các container chanh không hạt của Việt Nam mỗi tuần. Xứ nóng khiến nhu cầu với chanh lớn, song các doanh nghiệp tại đây hầu như ít nhập chanh không hạt từ nơi nào khác ngoài Việt Nam.

"Chanh Việt Nam giờ đây hầu như không có đối thủ cạnh tranh. Trước đây còn có chanh Brazil, nhưng nay hầu như tất cả đều chỉ mua chanh từ Việt Nam", ông Venkat Addala, Công ty thương mại Fuchsiana General Trading, Dubai, cho biết.

"Chanh từ Việt Nam được ưa chuộng bởi hương vị nổi bật so với chanh từ các nước khác. Chúng tôi hiện còn nhập về để tái xuất sang các nước Vùng Vịnh khác như Saudi Arabia, Oman, Bahrain hay Qatar", ông Mohammed Naimath, Giám đốc Công ty Zin Food, Dubai, chia sẻ.

Chanh không hạt từ Việt Nam là loại chanh xanh. Chanh vàng thị trường Vùng Vịnh vẫn có thể nhập từ Ấn Độ hay Nam Phi. Tuy nhiên với người Trung Đông, chanh xanh và chanh vàng là 2 loại quả không thể thay thế nhau. Chanh xanh dành cho những món ăn cần độ thơm và đặc biệt để pha nước uống. Chanh xanh nay tạo nên một dấu ấn rõ của Việt Nam tại các siêu thị Vùng Vịnh.

"Các bạn bên này rất ưa chuộng chanh Việt Nam. Một là không hạt, hai là độ thơm của chanh rất là thanh khiết. Đặc biệt vào mùa nóng, mùa cao điểm của chanh, các bạn bên này ở xứ nóng, các bạn hay vắt nước ra, lượng tiêu thụ rất nhiều", ông Nguyễn Đức Hoàng, Giám đốc Công ty Jamal Al Jasmin, Dubai, nhận định.

Al Maya là một trong những tập đoàn bán lẻ hàng đầu tại Dubai. Thời gian gần đây, tập đoàn dành nhiều sự quan tâm với các mặt hàng nông sản Việt Nam. Bắt đầu từ gạo và chanh không hạt nhập từ Việt Nam, những thành công đã khiến Al Maya nay mở rộng sang nhập dừa, ổi hay xoài của Việt Nam.

"Hiện chúng tôi nhận thấy có nhiều khách hàng muốn mua các nông sản của Việt Nam. Nó tạo cho Al Maya sự tự tin để nhập khẩu thêm nhiều loại nông sản, thực phẩm khác. Trong đó, chanh rõ ràng là một sản phẩm rất quan trọng từ Việt Nam", ông Kamal Vachani, Giám đốc Tập đoàn Al Maya, cho hay.

Vùng Vịnh mùa hè nắng nóng, một ly nước chanh thường là món giải khát không thể thiếu mùa này. Nếu bạn thưởng thức một ly nước chanh tại Dubai, thì có thể nói có đến 90% đó sẽ là một ly nước chanh mang đậm hương vị Việt Nam. Một nông sản của Việt Nam nay đã khẳng định được thế mạnh rõ ràng tại mảnh đất này.

Lợi thế rải vụ của trái cây Việt

Có thể thấy lợi thế của trái cây Việt là chất lượng, hương vị vượt trội, ví dụ cùng là vải, thanh long hay sầu riêng của nước ta so với của các nước khác luôn được đánh giá là ngon hơn. Tuy nhiên, nếu tổ chức sản xuất không tốt thì chúng ta sẽ biến lợi thế thành mối nguy khi nông sản ùn ứ khi vào chính vụ, có khi phải đổ bỏ. Bởi vậy sản xuất rải vụ đang được nhiều địa phương tính đến để tạo ra lợi thế cạnh tranh cho nông sản Việt.

Anh Chơ là nhà vườn đầu tiên ở huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng áp dụng các biện pháp rải vụ cho cây vú sữa.

"Mình cắt phần đọt, cắt cho trống phần đọt để cho có ánh sáng lọt vào trong thân, cho các nhánh ra đọt, ra trái", anh Phan Văn Chơ, xã Trinh Phú, Kế Sách, Sóc Trăng, chia sẻ.

"Cây vẫn phát triển, sinh trưởng bình thường, năng suất bình thường, nhưng giá bán cao hơn. Về chuyên môn kỹ thuật, đây là biện pháp rải vụ phù hợp", ông Vũ Bá Quan, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Kế Sách, Sóc Trăng, đánh giá.

5 tháng đầu năm, xuất khẩu rau quả thu hơn 1,8 tỷ USD - Ảnh 2.

Người dân thu hoạch chôm chôm. (Ảnh: TTXVN)

Nếu trước kia, trái vú sữa cung ứng cho thị trường Mỹ khoảng 2 tháng thì nay, nhờ giải pháp bao trái có lựa chọn, mà nguồn hàng có thể kéo dài đến tận tháng 4, tháng 5 năm sau.

"Với tình hình chúng ta rải vụ thì giá thành ổn định hơn và có niềm tin trong những năm sắp tới chất lượng sẽ nâng lên, giá trị sẽ tăng theo", Phó Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam Nguyễn Đình Tùng nhận định.

Vĩnh Long là một trong những nơi đầu tiên sản xuất chôm chôm rải vụ của Đồng bằng sông Cửu Long. Nông dân sáng tạo ra cách làm như một cái nhà cho gốc cây, theo cách gọi địa phương là đậy cao su, đậy mủ. Mùa mưa có lớp cao su và máy bơm sẽ rút nước ra ngoài, tạo điều kiện cho cây ra hoa. Chôm chôm rải vụ thường làm từ tháng 10 đến tháng 3 năm sau, tránh đụng hàng với chôm chôm miền Đông Nam Bộ và các nước xuất khẩu khác.

"Chúng ta có lợi thế thu hoạch quanh năm. Đây là điểm đặc thù không chỉ của ĐBSCL đối với Việt Nam, mà còn đặc thù của Việt Nam với các quốc gia có các cây trồng tương tự", ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho hay.

Với những giải pháp kỹ thuật đồng bộ, vú sữa, chôm chôm gần như có thể sản xuất quanh năm theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp. Vì vậy, giá bán cũng cao gấp nhiều lần. Chỉ riêng 5 loại trái cây gồm thanh long, xoài, chôm chôm, sầu riêng và nhãn, diện tích rải vụ đã chiếm trên 62% tổng diện tích thu hoạch, sản lượng rải vụ chiếm trên 54% tổng sản lượng.

Xuất khẩu rau quả - Điểm sáng của nông nghiệp Việt Nam Xuất khẩu rau quả - Điểm sáng của nông nghiệp Việt Nam

VTV.vn - Xuất khẩu rau quả là điểm sáng của nông nghiệp Việt Nam 2 tháng đầu năm khi đạt 592 triệu USD, tăng hơn 17% so với cùng kỳ năm ngoái.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước