Tốc độ giải ngân vốn đầu tư công đang có dấu hiệu chậm lại. Số tiền được thanh toán trong 7 tháng qua thấp hơn cùng kỳ năm trước. Ngoài các tác động bất lợi của thời tiết đối với các dự án quan trọng, trọng điểm, những vướng mắc trong thực hiện các luật và độ trễ của các chính sách mới đang ảnh hưởng đến tiến độ của các dự án.
Máy móc, thiết bị và nhân lực đã sẵn sàng. Phần lớn các mũi thi công của dự án này vẫn tiếp tục cầm chừng, tiến độ ngày càng bị kéo dài. Theo các đơn vị thi công, nguyên nhân chính vẫn là thiếu mặt bằng.
Ông Trần Sơn Dương - Công ty Xây dựng và Thương mại Hữu Huệ cho biết: "Phần một số phạm vi thiếu mặt bằng, xôi đỗ xôi lạc vì vậy không thể triển khai đồng loạt gây ra hiện tượng chậm tiến độ".
Ông Phạm Quang Anh - Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Thái Nguyên nhận định: "Một số các hộ dân phải bố trí tái định cư do thời gian bồi thường giải phóng mặt bằng cũng như thời gian đảm bảo các chỗ ở tái định cư cho các hộ dân phải di chuyển nhà đang vướng mắc".
Số tiền được thanh toán trong 7 tháng qua thấp hơn cùng kỳ năm trước
Đeo đẳng với mặt bằng, nhiều dự án buộc phải đẩy mạnh phần thi công để bù lại tiến độ. Tuy rằng phải tăng chi phí về thiết bị, nhân lực.
Ông Lê Đức Thiện - Chỉ huy thi công, Tổng Công ty 319, Bộ Quốc phòng chia sẻ: "Cố gắng làm tăng ca tăng kíp ngày đêm, mưa nhỏ coi như là không mưa để đẩy nhanh tiến độ".
Trước đây, nhiều dự án đầu tư công đã được tách phần giải phóng mặt bằng độc lập với hạng mục xây lắp. Tuy nhiên, một thời gian sau, hạng mục mặt bằng và xây lắp lại được nhập lại vào tổng dự án. Điều này làm phát sinh nhiều vướng mắc.
Ông Đặng Xuân Trường - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thái Nguyên nêu ý kiến: "Công tác bồi thường giải phóng mặt bằng mất rất nhiều thời gian. Cho nên thường thường 7 tháng đầu, tiến độ giải ngân bao giờ cũng chậm so với kế hoạch. Khâu bồi thường giải phóng mặt bằng nên được tách ra khỏi dự án thành một dự án riêng để thực hiện trước khi tiến hành triển khai dự án".
Tính đến cuối tháng 7 năm nay, thanh toán vốn đầu tư công của cả nước mới đạt hơn 32% tổng kế hoạch, thấp hơn 3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Từ đầu năm đến nay, cả nước mới giải ngân được 232.000 tỷ đồng vốn đầu tư công. Con số này thấp hơn 35.000 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái. Ngoài việc chưa vào cuộc quyết liệt của các chủ đầu tư, những vướng mắc trong Luật Đấu thầu, Luật Tài nguyên, Luật Đất đai, Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư công… cũng ảnh hưởng đến tiến độ của nhiều dự án
Thông tin mới đây của Bộ Tài chính cũng cho thấy, hiện mới chỉ có 38/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên mức bình quân chung của cả nước. Và vẫn còn hơn 21.000 tỷ đồng vốn đầu tư công chưa phân bổ chi tiết. Đây cũng sẽ là những trở ngại cho mục tiêu hoàn thành giải ngân được ít nhất 95% vốn đầu tư công theo kế hoạch của Thủ tướng giao.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!