Ấn Độ làm gì để cứu nền kinh tế khỏi "cơn sóng thần" COVID-19?

Anh Phương (PV Đài THVN thường trú tại Trung Đông)-Thứ ba, ngày 27/04/2021 11:40 GMT+7

VTV.vn - "Cơn sóng thần" COVID-19 đang để lại một không khí tang thương trên toàn đất nước Ấn Độ.

Làn sóng dịch trước đây tại Ấn Độ đạt mức đỉnh vào tháng 9/2020, sau đó số ca nhiễm giảm mạnh. Người dân Ấn Độ hăm hở khôi phục sản xuất, kinh doanh, cố trở về một cuộc sống bình thường nhanh nhất có thể để lấy lại những gì mình đã mất sau một thời gian dài chịu các lệnh phong tỏa.

Tuy nhiên, giờ mọi người mới nghiệm ra một bài học lịch sử có từ đại dịch cúm Tây Ban Nha năm 1918 là làn sóng thứ 2 mới thực sự nghiêm trọng hơn làn sóng thứ nhất.

Trang mạng Tin nhanh Tài chính của Ấn Độ mô tả, rất nhiều những người lao động, chỉ mới đây thôi, dắt nhau rời khỏi làng quê lên thành phố, kỳ vọng vào một những cơ hội mới sau đại dịch, nay lại phải vội vã chạy về làng quê.

Cái đói, cái nghèo luôn là sức ép nhưng giờ đây đã đến lúc mọi người phải nhận ra một thực tế, tuân thủ một lối sống phòng dịch đúng đắn, không tụ tập đông người hay tăng cường tiêm vaccine mới là phương thuốc hữu hiệu duy nhất để đưa nền kinh tế trở lại tăng trưởng.

Ấn Độ làm gì để cứu nền kinh tế khỏi cơn sóng thần COVID-19? - Ảnh 1.

Một người dân New Delhi ngồi bên ngoài cửa hiệu đóng cửa ở khu Connaught Place- trung tâm thương mại, dịch vụ ở thủ đô Ấn Độ. Ảnh: ANI

10 bang chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi làn sóng đại dịch hiện nay tại Ấn Độ lại chính là những bang đóng góp tới 65% GDP cho nước này. Chính phủ Ấn Độ hiện đang cho thấy họ sẽ không theo đuổi chính sách phóng tỏa nghiêm ngặt như trong làn sóng dịch trước đây để cứu nền kinh tế.

Tuy nhiên, báo The National của Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất chỉ ra một yếu tố quan trong cho thấy sự hồi phục của làn sóng dịch thứ 2 này sẽ phức tạp hơn làn sóng lần đầu. Đó là niềm tin của người tiêu dùng đã bị ảnh hưởng mạnh mẽ.

Làn sóng thứ 2 với sức tàn phá mạnh mẽ khiến nhiều người không còn dám kỳ vọng vào một tương lai ổn định phía trước. Trong khi đó, bán lẻ lại chính là vực chiếm tới 60% GDP của nền kinh tế Ấn Độ.

Ấn Độ làm gì để cứu nền kinh tế khỏi cơn sóng thần COVID-19? - Ảnh 2.

Ấn Độ được dự báo là nền kinh tế lớn phục hồi nhanh nhất năm nay, nhưng mọi chuyện sẽ khác khi đợt dịch mới ập đến. (Ảnh minh họa: Reuters)

Thực tế các khảo sát trong tháng 4 đã cho thấy các hoạt động bán lẻ và giải trí đã giảm ngay 25% so với hồi tháng 2. Số liệu của Ngân hàng Trung ương Ấn Độ cũng cho thấy niềm tin của người tiêu dùng sụt giảm, kéo theo sự sụt giảm chi tiêu trong nhiều mặt hàng và dịch vụ không thiết yếu.

Làn sóng dịch trước đã khiến kinh tế Ấn Độ phải chịu mức tăng trưởng âm 8,8% năm 2020. Cho đến lúc này, giới chức Ấn Độ vẫn kỳ vọng làn sóng thứ 2 sẽ qua sớm hơn làn sóng thứ nhất và kinh tế sẽ không đến nỗi suy sụp như hồi năm ngoái.

Tuy nhiên, trang mạng Al Jazeera (Qatar) cũng lưu ý, Ấn Độ đã sử dụng hầu như cạn kiệt các chính sách tài khóa và tiền tệ để thúc đẩy tăng trưởng trong làn sóng thứ nhất. Hiện mức nợ của chính phủ đã đạt mức kỷ lục 162 tỷ USD để dùng cho các chương trình kích thích kinh tế vừa qua.

Tại Ấn Độ, tổng cộng có trên 17,6 triệu người đã nhiễm bệnh COVID-19, bao gồm gần 197.900 trường hợp thiệt mạng. Ngày 26/4, Ấn Độ báo cáo trên 319.400 ca mắc COVID-19 mới, mức cao nhất thế giới. Đây là ngày thứ 5 liên tiếp Ấn Độ ghi nhận những kỷ lục đau buồn vì COVID-19.

Dịch bệnh đang vượt khỏi tầm kiểm soát của hệ thống y tế của Ấn Độ. Thủ tướng nước này Narendra Modi đã kêu gọi người dân đi tiêm vaccine COVID-19, đồng thời thận trọng trước cơn bão lây nhiễm virus SARS-CoV-2 đang làm rúng động nước này.

Các chuyên gia dự báo, làn sóng dịch bệnh tại Ấn Độ hiện nay sẽ đạt đỉnh vào giữa tháng 5 tới với số ca nhiễm mới theo ngày tăng ở mức 500.000 trường hợp, sau đó có thể giảm xuống trong thời gian từ giữa tháng 6 đến tháng 7.

Ngày 26/4, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới bày tỏ, tình hình dịch COVID-19 tại Ấn Độ là "vô cùng thương tâm" và tổ chức này sẽ triển khai thêm nhân viên, hàng tiếp tế để trợ giúp Ấn Độ chống dịch.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước