Hộ kinh doanh: Đông nhất, nhưng nộp thuế ít nhất
Các hộ kinh doanh có quy mô lớn sẽ có thể phải thực hiện sổ sách kế toán, hóa đơn, chứng từ như một doanh nghiệp siêu nhỏ, nhưng ở mức đơn giản hơn. Đây là nội dung mới trong dự thảo Thông tư hướng dẫn thuế và quản lý thuế đối với các hộ kinh doanh do Bộ Tài chính đưa ra và đang lấy ý kiến đóng góp, nhận được sự quan tâm của dư luận.
Ngành thuế kỳ vọng chính sách này sẽ giúp tăng cường quản lý thuế đối với các hộ kinh doanh, bởi hiện nay các hộ kinh doanh đông nhất, nhưng lại nộp thuế ít nhất.
Cả nước có khoảng hơn 5 triệu hộ kinh doanh, gấp khoảng 6 lần số lượng doanh nghiệp, nhưng số thuế hàng năm mà các hộ kinh doanh cá thể nộp cho ngân sách chỉ ở khoảng 2% trong tổng số thu thuế.
Nguyên nhân được xác định là ngoài việc quy mô nhỏ, các hộ kinh doanh cá thể chỉ nộp thuế khoán và mức thuế này được cơ quan nhà nước ấn định trong vòng một năm.
Dù áp dụng chế độ sổ sách, kế toán như doanh nghiệp siêu nhỏ, nhưng các hộ kinh doanh lớn sẽ không phải quyết toán thuế hàng năm, không phải lập báo cáo tài chính. (Ảnh minh họa: NLĐ)
Mức thuế "khoán" cũng chỉ dựa trên doanh số bán hàng một cách "cảm tính", chứ không có sổ sách chứng minh. Mỗi ngành nghề phải nộp mức thuế khoán khác nhau, trung bình từ 1,5 - 7%.
Chính vì chỉ nộp thuế theo hình thức "khoán", không cần phải có sổ sách chứng từ, nên một hộ kinh doanh trong một năm dù phát sinh thu nhập nhiều lên gấp đôi, gấp 3, hay thu nhập bị giảm đi cũng chỉ phải đóng một mức thuế đã được ấn định. Điều này có lúc gây thất thu cho ngân sách, hoặc cũng có lúc gây thiệt thòi cho người nộp thuế. Vì vậy, dự thảo thông tư quản lý thuế quy định các hộ kinh doanh có quy mô lớn, tương đương với một doanh nghiệp siêu nhỏ phải áp dụng chứng từ, sổ sách, hóa đơn để chứng minh thu nhập một cách chính xác.
Áp dụng sổ sách, hóa đơn với hộ kinh doanh lớn giúp chống thất thu thuế
Các hộ kinh doanh quy mô lớn trong các lĩnh vực nông lâm nghiệp, công nghiệp, xây dựng có số lao động không quá 10 người và tổng doanh thu không quá 3 tỷ đồng một năm; còn trong lĩnh vực thương mại dịch vụ, tổng doanh thu không quá 10 tỷ đồng một năm, có thể sẽ phải áp dụng sổ sách, chứng từ, kế toán như một doanh nghiệp siêu nhỏ. Các hộ kinh doanh lớn cần có 4 quyển sổ để theo dõi doanh thu, theo dõi tiền lương, theo dõi thu chi và hàng hóa dịch vụ mua vào.
Đại diện Tổng cục Thuế cho biết, việc này sẽ giúp ngành thuế có được doanh thu của các hộ kinh doanh một cách chính xác để thu thuế.
"Căn cứ vào sổ chi phí, cơ quan thuế sẽ có các thông tin để xác định được chính xác doanh thu của người nộp thuế, theo nguyên tắc chi phí sẽ phải tương ứng với doanh thu", bà Nguyễn Thị Lan Anh, Vụ trưởng Vụ Quản lý Thuế doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh và cá nhân, Tổng cục Thuế, cho biết.
Ngoài việc thu thuế một cách chính xác, việc các hộ kinh doanh lớn có sổ sách, kế toán như doanh nghiệp siêu nhỏ, cũng giúp phòng tránh việc không ít doanh nghiệp lợi dụng hộ cá nhân kinh doanh để trốn thuế. Bởi hộ kinh doanh nộp thuế "khoán" nhưng vẫn có thể mua hóa đơn tài chính của cơ quan thuế để xuất cho doanh nghiệp.
Khó khăn và lợi ích của hộ kinh doanh lớn khi áp dụng phương pháp kê khai thuế mới
Việc áp dụng sổ sách kế toán như doanh nghiệp siêu nhỏ đối với hộ kinh doanh quy mô lớn sẽ giúp quản lý thuế được tốt và chính xác hơn. Tuy nhiên đối với các hộ cá nhân, họ sẽ gặp thuận lợi và khó khăn gì, trong khi quy mô vẫn là hộ kinh doanh, nhưng sổ sách kế toán lại phải như một doanh nghiệp?
Làm chủ cửa hàng, chủ hộ kinh doanh số 7, phố Vũ Phạm Hàm, Hà Nội cũng kiêm luôn cả việc thu chi. Nếu phải áp dụng việc kê khai đóng thuế theo sổ sách, hóa đơn như một doanh nghiệp, thì hộ kinh doanh nà sẽ phải thuê thêm một kế toán và phát sinh thêm chi phí.
Cả nước có khoảng hơn 5 triệu hộ kinh doanh, gấp khoảng 6 lần số lượng doanh nghiệp. (Ảnh: Báo Đầu tư)
"Hiện tại mình đang tự làm, hộ kinh doanh thuế khoán kê khai cũng dễ. Nhưng sau này, nếu phải kê khai theo mô hình của doanh nghiệp, thì chắc chắn phải thuê nhân sự, phải hỗ trợ về chuyên môn", ông Đỗ Danh Doãn, Chủ hộ kinh doanh số 7, phố Vũ Phạm Hàm, chia sẻ.
Một phòng khám y tế tại Hà Nội đã vài lần bị lỡ cơ hội khám chữa bệnh cho một số cơ quan, đơn vị có đông người, bởi các đơn vị này yêu cầu phòng khám phải xuất hóa đơn giá trị gia tăng. Trong khi phòng khám chỉ được phép xuất hóa đơn bán hàng. Vì vậy, trong thời gian tới, hộ kinh doanh này rất mong muốn được phép xuất hóa đơn VAT như doanh nghiệp.
Dù áp dụng chế độ sổ sách kế toán như doanh nghiệp siêu nhỏ, nhưng các hộ kinh doanh lớn sẽ không phải quyết toán thuế hàng năm, không phải lập báo cáo tài chính. Các chế độ kế toán cũng sẽ được cơ quan thuế hướng dẫn, "cầm tay, chỉ việc" trong quá trình thực hiện.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!