Áp lực lạm phát sau đại dịch tại Mỹ: Lâu dài hay chỉ thoáng qua?

VTV Digital-Thứ bảy, ngày 12/06/2021 14:04 GMT+7

VTV.vn - Áp lực lạm phát không chỉ đè nặng lên người tiêu dùng, mà còn có nguy cơ ảnh hưởng đến sự phục hồi của nền kinh tế Mỹ sau một năm vật lộn do dịch COVID-19.

Mọi năm, chỉ số giá tiêu dùng tại Mỹ, một con số điển hình cho tình hình lạm phát, chỉ loanh quanh ở mức 2%. Tuy nhiên tuần vừa qua, chỉ số CPI của tháng 5 đã tăng 5% so với cùng kỳ năm 2020 khi dịch bệnh hoành hành. Đây là mức tăng cao nhất kể từ năm 2008. Còn chỉ số lõi, tức là không kể đến giá thực phẩm hay xăng dầu, cũng tăng 3,8%, cao nhất kể từ năm 1992. Trước mắt, thực phẩm đang là mặt hàng tăng giá đầu tiên và rõ rệt nhất.

Trong 1 năm qua, thịt lợn xông khói đã tăng giá hơn 10%. Giá nhiều loại hàng hóa khác cũng tăng cao như: xúc xích tăng 2,4%; hoa quả tươi tăng 6,2%; ngũ cốc tăng 0,2%; tách cà phê cũng tăng 0,3%. Nếu giá các loại hàng hóa còn tiếp tục tăng trong thời gian dài, thì người Mỹ sẽ đối mặt với một vấn đề, đó là lạm phát.

Đằng sau đà tăng giá của thực phẩm

Ngô là một thành phần quan trọng trong những bát ngũ cốc trên bàn ăn của người Mỹ và ngô chiếm tới 96% lượng thức ăn chăn nuôi cho tất cả các loại gia súc gia cầm tại Mỹ. Chỉ trong 1 năm qua, giá thu mua hạt ngô tăng 50%.

Áp lực lạm phát sau đại dịch tại Mỹ: Lâu dài hay chỉ thoáng qua? - Ảnh 1.

Nếu giá các loại hàng hóa còn tiếp tục tăng trong thời gian dài, thì người Mỹ sẽ đối mặt với lạm phát. (Ảnh minh họa: AP)

Khách hàng lớn nhất của ngô Mỹ chính là Trung Quốc. Đàn lợn của Trung Quốc đang được tái đàn mạnh mẽ sau dịch tả lợn châu Phi của năm 2020 và phía Trung Quốc đang ồ ạt thu mua ngô để làm thức ăn chăn nuôi, gấp 4 lần so với mọi năm. Trong khi đó, một số khu vực trồng ngô tại Nam Mỹ đã trải qua hạn hán, ảnh hưởng tới sản lượng thu hoạch. Ngô trở nên khan hiếm hơn, và cũng đắt đỏ hơn.

10% nhiên liệu xăng dầu tại Mỹ là ethanol và ngô cũng là một thành phần quan trọng của chất này. Giá ngô tăng phần nào đẩy giá nhiên liệu xe cộ tại Mỹ tăng lên.

Sau đại dịch, các công ty cũng kêu là khó tìm lái xe tải để vận chuyển thực phẩm dọc ngang đất nước. Đường là một ví dụ tiêu biểu. Một số hãng vận tải hàng hải đã phải báo giá cao hơn cho những chuyến vận chuyển đường. Giá đường hiện thời cũng cao hơn năm 2020 khoảng 3%.

Một yếu tố nữa được xem là cũng thúc đẩy tới lạm phát tại Mỹ đó là việc rất khó để chiêu mộ lực lượng lao động quay trở lại làm việc, sau một thời gian dài ngủ đông vì COVID-19. Nhiều doanh nghiệp đã phải "nịnh" người lao động bằng tiền, vì vậy chi phí dịch vụ cũng tăng theo.

Ông lớn đồ ăn nhanh McDonald's cam kết thưởng tiền cho nhân viên - ký hợp đồng là thưởng ngay 500 USD. Trong khi một số nhà hàng nhỏ thu hút nhân viên bằng cách đi làm thì được hỗ trợ bữa ăn miễn phí.

Một nhà hàng ở Florida ra thông báo ứng tuyển sẽ có cơ hội quay số trúng thưởng 1 chiếc ô tô thể thao; hay một nhà hàng khác không chỉ nâng lương khởi điểm, mà còn trả thưởng.

Có thể thấy, khá nhiều sức ép sắp tới lên ví tiền của người tiêu dùng Mỹ. Trong khi đó, nhiều nhà kinh tế Mỹ vẫn tin rằng đợt lạm phát này sẽ chỉ kéo dài trong ngắn hạn và sẽ bắt đầu "hạ nhiệt" sau khi nền kinh tế có thời gian thích nghi với đà phục hồi.

Lần cuối cùng giá cả leo thang như vậy là trong đợt đại suy thoái năm 2008. Có vẻ như lạm phát và suy thoái kinh tế luôn đi kèm với nhau - giảm phát trong thời kỳ suy thoái và lạm phát khi có dấu hiệu phục hồi.

CPI nói chung gồm có giá thực phẩm, đồ uống; giá thuê nhà; giá năng lượng, nhiên liệu xăng dầu; chi phí y tế; giáo dục và một số loại dịch vụ khác. Còn CPI lõi cũng gần như thế, nhưng loại trừ giá thực phẩm và giá xăng dầu.

FED chỉ thật sự quan tâm tới CORE CPI, CPI lõi, tức là bỏ qua giá thực phẩm, giá năng lượng. FED đặt mục tiêu cho CPI lõi là 2%, nếu thật sự cao hơn mức này quá nhiều, thì FED mới hành động.

Quan điểm của FED về nguy cơ lạm phát

Chủ tịch FED Jerome Powell đã nhiều lần khẳng định, FED sẽ chưa vội thay đổi chính sách, dù vẫn theo dõi kỹ tình hình.

Áp lực lạm phát sau đại dịch tại Mỹ: Lâu dài hay chỉ thoáng qua? - Ảnh 2.

Chủ tịch FED Jerome Powell. (Ảnh: AP)

"Giai đoạn mở cửa trở lại nền kinh tế sẽ chứng kiến một số áp lực lên giá cả hàng hóa, tuy nhiên chỉ là tạm thời và sẽ không dẫn tới lạm phát liên tục theo thời gian. Chúng tôi luôn sẵn sàng sử dụng các công cụ để can thiệp nếu thấy có nguy cơ lạm phát vượt mục tiêu 2% trong dài hạn", Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Jerome Powell cho hay.

Dù còn những lo ngại về tình hình dài hạn, nhưng theo các chuyên gia, quan điểm của FED khi nhìn vào tình hình giá cả hiện nay nhìn chung vẫn hợp lý, đặc biệt là khi nền kinh tế Mỹ vẫn đang vực dậy sau một năm vật lộn do dịch COVID-19.

"Nhiều sản phẩm và dịch vụ đang tăng giá hiện nay là những thứ đang được "bình thường hóa", như: ô tô cho thuê, vé xem thể thao, nhà hàng, khách sạn… Do đó, giá cả của chúng đang phản ánh nhu cầu quay lại mức trước đại dịch. Dù vậy vẫn còn sớm để tin rằng mọi thứ chỉ là ngắn hạn", chuyên gia kinh tế trưởng, Moody's Analytics Mark Zandi nhận định.

Trên thị trường chứng khoán, các chỉ số chủ chốt cũng lên điểm trong phiên 10/6 sau khi số liệu lạm phát được công bố. Điều này cho thấy Phố Wall đang tiếp tục với dự báo FED sẽ chưa nâng lãi suất trong thời gian tới.

Tuy nhiên một tín hiệu quan trọng mà các chuyên gia chờ đợi, đó là triển vọng FED thảo luận việc giảm dần chương trình nới lỏng định lượng QE, hiện đang ở mức mua vào 120 tỷ USD trái phiếu/tháng. Các dự báo hiện nay cho thấy FED có thể bắt đầu quá trình thu hẹp QE sớm nhất là quý cuối năm nay.

Tất cả những vấn đề nêu trên đều sẽ là những mối quan tâm nóng chi phối cuộc họp của FED vào ngày 15 - 16/6 tới đây.

Lạm phát Mỹ tăng kỷ lục có đáng ngại? Lạm phát Mỹ tăng kỷ lục có đáng ngại?

VTV.vn - Lạm phát của Mỹ đã tăng lên mức kỷ lục trong 7 tháng đầu của năm tài khóa 2021. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng chưa nên quá lo lắng và hãy kiên nhẫn.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước