4.500 tỷ USD và hàng trăm triệu việc làm mới là giá trị thị trường ít nhất mang lại cho toàn cầu nếu áp dụng các mô hình sản xuất kinh doanh theo hướng kinh tế tuần hoàn đến năm 2030. Dự báo này từ các nghiên cứu quốc tế đang được hiện thực hóa trên thế giới khi nhiều mô hình kinh tế tuần hoàn được áp dụng và mang lại nguồn lợi lớn cho các quốc gia.
Theo GA Circular - Đơn vị quốc tế tư vấn thành lập Liên minh tái chế bao bì tại Việt Nam, bên cạnh Nam Phi thì Bỉ, Nhật Bản và Mexico được xem là những ví dụ thành công khi tỷ lệ tái chế bao bì nhựa hay bìa các tông dao động từ 60 đến 90%.
Tuy nhiên, mô hình kinh tế tuần hoàn không chỉ bó hẹp trong lĩnh vực tái chế bao bì mà còn được mở rộng ra áp dụng với nhiều ngành công nghiệp khác.
Chính vì vậy, năm 2018, nền tảng Thúc đẩy kinh tế tuần hoàn ở cấp độ toàn cầu, viết tắt là PACE đã được thành lập, với sự tham gia của gần 50 doanh nghiệp đa quốc gia, chính phủ các nước và các tổ chức quốc tế. Đặc biệt 1 tầm nhìn về kinh tế tuần hoàn với rác thải điện tử cũng mới được LHQ đưa ra cho thấy tính cấp thiết phải áp dụng mô hình tuần hoàn trong mọi hoạt động sản xuất kinh doanh.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!