Thế giới di động, FPT Shop hay mới đây nhất là Nguyễn Kim - hầu như các doanh nghiệp bán lẻ di động, điện máy lớn nhất thị trường hiện nay đều đang có chiến lược và kế hoạch để mở rộng sang bán lẻ dược phẩm - một "sân chơi" mới còn nhiều dư địa với tốc độ tăng trưởng được Business Monitor International dự báo sẽ đạt mỗi năm 2 con số trong 7 năm nữa.
Hiện nay, khi bước vào một cửa hàng trong chuỗi dược phẩm, khách hàng có thể đang được quan sát đồng thời với hàng chục, hàng trăm cửa hàng trong chuỗi theo thời gian thực. Việc quan sát này là để đảm bảo khi có bất cứ vấn đề gì phát sinh tại từng cửa hàng đều có thể được phản ánh kịp thời đến bộ phận quản lý. Đây là ví dụ cho thấy ngành bán lẻ dược phẩm đang có sự thay đổi về chất.
Quản lý chất lượng dịch vụ bằng hệ thống camera, thông tin của tất cả các sản phẩm thuốc đều được lưu trữ trên nền tảng số, từ đây, khâu kho vận sẽ có thể quản lý sản phẩm chủ động và hiệu quả hơn, giảm tình trạng thiếu hàng hay thuốc quá hạn sử dụng phải loại bỏ.
Theo nghiên cứu của Business Monitor International, doanh số bán lẻ dược tại Việt Nam được tính toán ở mức 1,5 tỷ USD/năm. Các chuỗi hiện đại hiện chỉ chiếm 5%, còn lại thị phần bán lẻ chủ yếu nằm trong tay hơn 50.000 nhà thuốc đơn lẻ.
Tuy nhiên, với việc hàng loạt các "đại gia" đầu ngành bán lẻ di động, điện máy đang lấn sân vào bán lẻ dược phẩm thông qua con đường mua bán và sáp nhập, cục diện được dự báo sẽ thay đổi rõ nét cả về thị phần lẫn mô hình bán lẻ.
Tuy nhiên, giới bán lẻ dược nhận định tỷ lệ lợi nhuận trong lĩnh vực này không cao, ở mức 10%. Nếu không có tiềm lực tài chính mạnh, sẽ là không dễ để các chuỗi bán lẻ mở rộng quy mô, lấy thị phần. Thực tế, thị trường hiện nay chưa có chuỗi dược phẩm nào có quy mô hơn 100 cửa hàng. Do đó, dù được đánh giá là phù hợp xu thế phát triển nhưng chuỗi bán lẻ dược có thể phát triển được đến mức độ nào vẫn là một ẩn số khó đoán.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!