Theo báo Đại đoàn kết, hơn 1,3 tỷ USD là số tiền thuốc đã nhập khẩu trên cả nước tính đến hết ngày 15/8. Con số này cao hơn 100 triệu USD so với cùng kỳ 2014. Trong đó, Pháp là thị trường nhập khẩu dược phẩm lớn nhất của Việt Nam, tiếp đến là Hoa Kỳ và Ấn Độ cùng nhiều nước khác.
Báo Lao động nhận định hiện nay, ngành dược Việt Nam đã sản xuất được hầu hết các nhóm dược lý và chất lượng thuốc ngày càng nâng lên. Tuy nhiên, theo báo Nhân dân, thuốc nội được kê ở các bệnh viện ở tuyến tỉnh chỉ vào khoảng 34%, còn ở tuyến Trung ương chỉ có 12%.
Các doanh nghiệp trong nước vẫn chưa sản xuất được các thuốc đặc trị nhưng những loại thuốc được dùng nhiều như kháng sinh, Việt Nam đều đã có thể làm được và đa số thuốc sản xuất trong nước có giá rẻ hơn từ 10 - 50 lần so với thuốc ngoại.
Tại sao trong nước, nhiều dòng thuốc vẫn sản xuất được mà lại phải nhập khẩu thuốc ngoại nhiều đến vậy? Và tại sao nhiều vị bác sĩ không kê những đơn thuốc nội cho bệnh nhân để có thể giúp đỡ được bao nhiêu bệnh nhân nghèo. Có hay không hành vi chia "hoa hồng" cho các vị bác sĩ hay các bệnh viện?
Trước hết không thể phủ nhận tâm lý sính ngoại trong dùng thuốc. Ngoài ra, theo các báo trong nước, họ khẳng định chính việc các doanh nghiệp thuốc ngoại trả hoa hồng cao hơn và đa dạng hơn đã thúc đẩy việc kê đơn của nhiều bác sĩ như tài trợ đi nước ngoài, tham quan, trả tiền trực tiếp, trả hoa hồng theo đơn thuốc...
Nhiều bác sĩ cũng lấy lý do không tin thuốc nội chất lượng bằng thuốc ngoại. Thế nhưng, Phó Viện trưởng Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương khẳng định trên tờ Nhân dân rằng, thời gian, tỷ lệ không đạt chất lượng của thuốc ngoại luôn cao hơn thuốc sản xuất trong nước. Thậm chí, có những DN dược Ấn Độ dù bị xử phạt vẫn tái phạm tới 7 lần, coi thường sức khỏe người dùng.
Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam!