Bất cập chính sách nhập khẩu đường

Đặng Công-Thứ tư, ngày 30/10/2013 15:27 GMT+7

 Hiệp hội Mía đường cho biết, trong lúc ngành mía đường gặp nhiều khó khăn thì niên vụ 2013-2014, Bộ Công Thương lại quyết định cấp quota nhập khẩu hàng chục ngàn tấn đường.

Nghịch lý này sẽ khiến ngành mía đường đã khó lại càng khó khăn hơn. Bởi hiện nay, ngoài lượng hàng tồn kho tại các nhà máy, đường nhập lậu vẫn qua lại trên tuyến biên Tây Nam mỗi ngày.

Thống kê của Hiệp hội Mía đường Việt Nam, đến cuối tháng 10, lượng đường tồn kho tại các nhà máy còn khoảng 200.000 tấn. Trong lúc đầu ra đang gặp khó khăn thì vụ mía mới lại bắt đầu. Áp lực càng đè nặng trên vai các nhà máy khi niên vụ 2013-2014 lượng đường dư thừa có thể lên đến 500 ngàn tấn.

Tại Hội nghị Tổng kết sản xuất mía đường niên vụ 2012-2013 tại Hậu Giang hồi tháng 7 vừa qua, các đại biểu cho biết, mỗi năm có khoảng 400.000 tấn đường được vận chuyển trái phép vào biên giới nước ta.

Khó khăn do tồn kho, do đường nhập lậu nhưng Bộ Công thương vẫn cấp phép nhập khẩu đường. Niên vụ 2012-2013 là 70.000 tấn đường còn niên vụ này là 73.000 tấn. Đây là điều bất hợp lý khiến nhiều doanh nghiệp tỏ ra bức xúc.

Cũng theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, hiện giá thành sản xuất 1kg đường của Việt Nam là 10.000 đồng, cao hơn khoảng 3.000 đồng so với Thái Lan. Nhà máy đường gặp khó, nông dân cũng chẳng được lời. Với giá thu mua khoảng 700-800 đồng/kg như hiện nay, người trồng mía ở Hậu Giang chỉ từ huề đến lỗ vốn. Giải pháp chuyển đổi cây trồng cũng đã được tính đến nhưng trồng cây gì thì người dân hoàn toàn bế tắc.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước