Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), dòng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký mới trong 10 tháng đầu năm nay tiếp tục đạt mức cao với hơn 16 tỷ USD và một trong những lĩnh vực thu hút vốn mạnh là sản xuất. Điều này chứng tỏ các nhà đầu tư nước ngoài vẫn xem Việt Nam là một thị trường tiềm năng, đặc biệt cho lĩnh vực bất động sản công nghiệp. Tuy nhiên, việc hấp thụ dòng vốn đầu tư trong ngắn hạn đang gặp rất nhiều thách thức, khi hạ tầng phát triển không kịp so với tốc độ phát triển các khu công nghiệp, đặc biệt tại khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam.
Tại khu công nghiệp Long Hậu, thuộc huyện Cần Guộc, tỉnh Long An, đa số hạ tầng kết nối xung quanh của khu công nghiệp này chủ yếu với TP.HCM, còn việc kết nối với các khu vực còn lại trong tỉnh, hay ra các tỉnh lân cận hầu như không có. Đây là hạn chế làm cản trở đối tượng khách thuê khi đến với khu công nghiệp này.
Không chỉ doanh nghiệp cần thuê khu công nghiệp, việc thiếu hạ tầng kết nối cũng đang ảnh hưởng đến đối tượng doanh nghiệp đầu tư vào xây dựng khu công nghiệp.
Báo cáo mới nhất của Fitch Solutions về chỉ số rủi ro hậu cần logistics, trong thang điểm 100 là tốt nhất, Việt Nam chỉ đạt mức 55,6 điểm, đứng sau Thái Lan.
Ngoài hạ tầng giao thông, đại diện Savills Việt Nam cũng chỉ ra, tính kết nối chặt chẽ theo cụm cũng là điểm yếu của hạ tầng công nghiệp hiện nay. Theo nghiên cứu của đơn vị này, trong tổng số 190 khách thuê khu công nghiệp chia theo ngành kinh tế, các nhóm ngành từ bán buôn, bán lẻ đến sửa chữa ôtô, xe máy, mô tô, xe có động cơ… đều thiếu sự kết nối khi thuê khu công nghiệp.
Theo số liệu của Tổng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong 10 tháng qua, số lượng các đoàn sang làm việc, tìm hiểu cơ hội đầu tư tăng khá mạnh, khoảng 30% so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, có thể thấy, bài toán đầu tư hạ tầng đang là điểm chủ chốt để Việt Nam có thể rộng cửa đón nhận lượng vốn đầu tư mới.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!