Ngân hàng Thế giới vừa hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Indonesia trong năm nay xuống còn 3,7%. Hình minh họa. (Ảnh: AP)
Indonesia và Malaysia đều phải hạ dự báo tăng trưởng kinh tế so với các dự báo trước đó. Trong khi đó, Philippines dự báo phải mất 10 năm để khôi phục tăng trưởng như trước đại dịch.
Indonesia hạ dự báo tăng trưởng do biến thể Delta
Ngân hàng Thế giới vừa hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Indonesia trong năm nay xuống còn 3,7% so với mức dự đoán 4,4% vào tháng 4 vừa qua do tác động biến thể Delta. Trước đó, Ngân hàng phát triển châu Á cũng có động thái tương tự khi dự báo tăng trưởng của quốc gia Đông Nam Á này xuống 3,5%, thay cho dự báo trước đó là 4,5%.
Lý do là các lệnh hạn chế nhằm ngăn ngừa dịch bệnh đã gây ảnh hưởng nặng nề đến các chỉ số kinh tế như doanh số bán lẻ và bán xe có động cơ, niềm tin của người tiêu dùng và chỉ số PMI sản xuất. Các tổ chức tài chính trên khuyến cáo chương trình tiêm chủng sẽ là chìa khóa để giúp khôi phục nền kinh tế Indonesia.
Doanh nghiệp tại Malaysia đóng cửa do dịch COVID-19
Gần 38.000 doanh nghiệp chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ của Malaysia đã phải đóng cửa do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Đây là con số vừa được Bộ Hợp tác và phát triển doanh nghiệp nước này công bố.
Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Selongor, Malaysia. Ảnh: THX/TTXVN
Để giải quyết tình trạng này Malaysia đã thành lập một lực lượng đặc nhiệm nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp sau đại dịch. Ngân hàng Thế giới mới đây đã cắt giảm dự báo tăng trưởng kinh tế năm nay của nước này xuống 3,3% thay vì 4,5% như dự đoán trước đó. Nguyên nhân chủ yếu là do tình hình dịch COVID-19 xấu đi ảnh hưởng tới tiến trình hồi phục kinh tế.
Philippines có thể mất 10 năm để phục hồi sau đại dịch
Nền kinh tế Philippines có thể mất hơn 1 thập kỷ để khôi phục tăng trưởng như trước đại dịch. Đây là nhận định của Bộ trưởng Kế hoạch Kinh tế nước này. Các lệnh phong tỏa, hạn chế đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế Philippines, khiến hàng triệu người mất việc làm, nhiều gia đình rơi vào cảnh nghèo đói.
Hiện 70% nền kinh tế nước này đang chịu các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt. Các lĩnh vực trọng yếu như du lịch, nhà hàng không thể mở cửa trở lại hoàn toàn. Năng suất lao động thấp hơn do nhiều lao động tử vong, bệnh tật. Các thiệt hại mà Philippines phải gánh chịu và chi phí từ các biện pháp chống dịch được dự báo có thể lớn tới hơn 41 nghìn tỷ Peso (tương đương 810 tỷ USD).
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!