Bộ Công Thương kiến nghị tháo gỡ “3 tại chỗ”

VTV Digital-Thứ hai, ngày 09/08/2021 08:30 GMT+7

VTV.vn - Bộ Công Thương đã tổng hợp ý kiến của các DN gửi đến Bộ Y tế, đề xuất giải pháp hỗ trợ thực hiện "3 tại chỗ", duy trì hoạt động sản xuất trong điều kiện có dịch.

Không chỉ tại TP Hồ Chí Minh, các doanh nghiệp tại Đồng Nai, Bình Dương, Tiền Giang... cũng đồng loạt kiến nghị tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp khi thực hiện 3 tại chỗ (ăn, ngủ và làm việc tại chỗ).

Theo nhận định, sau thời gian triển khai "3 tại chỗ" những bất cập đã bộc lộ, đặc biệt tại các tỉnh phía Nam. Các doanh nghiệp đều cho rằng khó khăn lớn nhất là cơ sở hạ tầng, chi phí thực hiện, quy định, hướng dẫn chưa cụ thể, đồng bộ...

Bộ Công Thương kiến nghị tháo gỡ “3 tại chỗ” - Ảnh 1.

Một doanh nghiệp sản xuất đồ gỗ tại Bình Dương sắp xếp cho toàn bộ công nhân ở tại công ty theo phương án "3 tại chỗ". (Ảnh: PLO)

Ngoài các quy định "3 tại chỗ" hay "1 cung đường, 2 địa điểm", cộng đồng doanh nghiệp cũng kiến nghị bổ sung các hình thức khác để doanh nghiệp được lựa chọn, cần có các quy định cụ thể đối với trường hợp người lao động được về nhà, không nhất thiết phải ở tại doanh nghiệp. Yêu cầu khi đó là cần có cam kết của doanh nghiệp với địa phương, người lao động với doanh nghiệp. Tuy nhiên, đầu mối nào chịu trách nhiệm quản lý, giám sát, đảm bảo tính tuân thủ... cũng sẽ là thách thức không nhỏ.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng kiến nghị bổ sung quy định cụ thể đối với trường hợp người lao động dừng tham gia “3 tại chỗ” giữa chừng và trở về nơi cư trú để người lao động yên tâm đăng ký tham gia “3 tại chỗ”.

Đồng thời, cơ quan chức năng cần có hướng dẫn các địa phương xây dựng các kịch bản, lộ trình phục hồi sản xuất tương ứng với các kịch bản diễn biến của dịch bệnh để các doanh nghiệp có kế hoạch bố trí sản xuất phù hợp.

Trường hợp có ca bệnh xuất hiện trong nhà máy, cơ quan y tế địa phương cần phối hợp với doanh nghiệp trong việc tách F0, F1 ra khỏi môi trường làm việc để doanh nghiệp sớm ổn định lại sản xuất và đảm bảo an toàn cho những người lao động khác trong doanh nghiệp yên tâm tập trung làm việc.

Theo Bộ Công Thương, doanh nghiệp đề xuất bổ sung quy định về tổ chức thực hiện xét nghiệm cộng gộp định kỳ, lấy mẫu trực tiếp tại doanh nghiệp nhằm cắt giảm chi phí, giảm thời gian, tránh tập trung đông người gây mất an toàn phòng dịch.

Một số đề xuất còn cho rằng cần có quy định cụ thể, cho phép doanh nghiệp được hoạt động trở lại tương ứng với các kịch bản khác nhau (từ 30%, 50%, 70% tới 100% công suất như trước thời điểm xảy ra dịch bệnh).

Việc cho phép hoạt động tùy vào điều kiện đảm bảo an toàn của doanh nghiệp và kết quả thực hiện phòng chống dịch bệnh để doanh nghiệp có kế hoạch bố trí lao động và nguồn lực sản xuất thích hợp.

Ưu tiên tiêm vaccine cho người lao động

Về vấn đề vaccine, Bộ Công Thương cho rằng cần đưa mức ưu tiên đối với người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp trở thành đối tượng ưu tiên tiêm vaccine. Trong nhóm doanh nghiệp, ưu tiên tiêm vaccine cho các doanh nghiệp thuộc các ngành xuất khẩu và sản xuất các sản phẩm thiết yếu gồm điện tử, dệt may, da giày, ô tô, thép, chế biến nông sản, thực phẩm...

Bộ cũng đề xuất cho phép các cơ sở y tế triển khai tiêm chủng có thu phí (do doanh nghiệp, cá nhân chi trả) dưới sự hướng dẫn và giám sát về chuyên môn của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Đối với các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp có đủ điều kiện về y tế có thể bố trí tổ chức tiêm tại chỗ nhằm giảm tải cho các cơ sở y tế và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc tổ chức tiêm phòng cho cán bộ, công nhân viên của doanh nghiệp.

Trong trường hợp các hiệp hội, doanh nghiệp đã liên hệ và tìm được nguồn cung vaccine từ nước ngoài, đề nghị Bộ Y tế khẩn trương báo cáo Chính phủ đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp ký kết các hợp đồng cung ứng vaccine để giúp các doanh nghiệp sớm tiếp cận trong thời gian ngắn nhất.

Yêu cầu các địa phương nghiên cứu, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp “3 tại chỗ”

Những khó khăn trên cũng đã được Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu các địa phương lắng nghe, nghiên cứu, tháo gỡ tại buổi làm việc mới đây với các doanh nghiệp sản xuất, cung ứng hàng hóa thiết yếu tại TP Hồ Chí Minh.

Chia sẻ với những khó khăn của doanh nghiệp, người lao động, Phó Thủ tướng gợi ý việc phân chia ca, kíp, nhóm sản xuất theo khu vực cư trú của người lao động, đặc biệt phải nắm sát công nhân ở "vùng xanh", "vùng đỏ"; tìm kiếm những khu nhà trọ để làm ký túc xá doanh nghiệp, tổ chức đưa đón an toàn người lao động từ nơi ở đến nơi sản xuất.

Phó Thủ tướng cũng đề nghị TP Hồ Chí Minh khẩn trương tiêm vaccine cho người lao động tại những doanh nghiệp sản xuất quan trọng.

'3 tại chỗ' thì vừa làm vừa lo, doanh nghiệp như đứng giữa 'ngã 3 đường' "3 tại chỗ" thì vừa làm vừa lo, doanh nghiệp như đứng giữa "ngã 3 đường"

VTV.vn - Việc kéo dài thời gian thực hiện "3 tại chỗ" khiến nhiều doanh nghiệp đuối sức, vừa làm vừa lo.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước