Các quy định mới có thể kể đến như: điều kiện để thành lập ban quản trị chỉ cần 50% cư dân đến ở, thay vì 75% như hiện hành; hay quy định 3 - 5 thành viên sẽ đứng tên đồng chủ sở hữu tài khoản quỹ bảo trì, để tránh 1 cá nhân biển thủ quỹ. Đây là những giải pháp được kỳ vọng chấn chỉnh hoạt động sử dụng chung cư một cách hợp lý hơn.
Công trình nhà có dấu hiệu xuống cấp chính là một trong những lý do khiến người dân không đồng tình với mức phí dịch vụ chủ đầu tư đưa ra. Hiện nay, hơn 60% cư dân vẫn còn nợ phí dịch vụ, tiền nước khoảng hơn 2 tỷ đồng. Phía chủ đầu tư cho biết, chừng nào chưa thu hồi được công nợ sẽ chưa thành lập ban quản trị.
Trong khi đó, tại chung cư An Lạc, sau một thời gian đi vào hoạt động, một số công trình đã xuống cấp, nhưng người dân ngỡ ngàng khi chung cư không còn quỹ bảo trì để sửa chữa. Nguyên nhân được xác định là do trong nhiệm kỳ năm 2011 - 2013, Ban quản trị chung cư này đã chi hơn 1 tỷ đồng để bảo trì các hạng mục nhưng không để lấy ý kiến cư dân. Thanh tra Sở Xây dựng TP.HCM đã vào cuộc và kết luận, tất cả số tiền đã chi không có hóa đơn chứng từ và không có tiền lãi suất.
Đây chỉ là 2 trong số rất nhiều tranh chấp chung cư xảy ra thời gian qua. Trong dự thảo Bộ Xây dựng đang lấy ý kiến, tiền gửi kinh phí bảo trì của nhà chung cư tại các ngân hàng sẽ có từ 3 - 5 thành viên đứng tên đồng chủ tài khoản và tránh tình trạng chiếm dụng quỹ. Một số ý kiến còn cho rằng nên có thêm vai trò của chính quyền địa phương.
Đối với việc thành lập ban quản trị, Bộ Xây dựng cũng đề xuất nêu cao vai trò của cấp phường, xã. Cụ thể, chính quyền sẽ đứng ra làm thay nếu chủ đầu tư chây ì.
Theo Bộ Xây dựng, hiện có hơn 400 tòa chung cư đang xảy ra tranh chấp trên toàn quốc. Vì vậy, việc ban hành thông tư mới, với các quy định sát thực tế hơn đang rất cần thiết vào thời điểm này.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!