Buôn lậu xăng dầu và hệ lụy kinh tế

Ban Thời sự-Chủ nhật, ngày 27/03/2022 06:33 GMT+7

VTV.vn - Buôn lậu xăng dầu không phải là câu chuyện mới, nhưng ở thời điểm giá xăng dầu liên tục tăng, việc buôn lậu mặt hàng này lại càng gia tăng mạnh cả về số vụ và số lượng.

Xăng dầu hiện là mặt hàng nhập khẩu chịu nhiều loại thuế nhất như: thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường và thuế giá trị gia tăng… Không những vậy, sắc thuế sau lại được tính trên cơ sở thuế suất nhân với tổng của giá xăng dầu cộng với các sắc thuế trước.

Bên cạnh đó, mỗi lít xăng còn phải cộng thêm chi phí kinh doanh định mức, lợi nhuận định mức và trích lập Quỹ bình ổn giá. Kết quả là tỷ lệ thuế, phí trong giá bán lẻ xăng dầu hiện chiếm trên 32%. Đây là một con số rất lớn kích thích các đối tượng dùng nhiều thủ đoạn để buôn lậu xăng dầu từ nước ngoài vào nội địa.

Buôn lậu xăng dầu không phải là câu chuyện mới, nhưng ở thời điểm giá xăng dầu liên tục tăng, việc buôn lậu mặt hàng này lại càng gia tăng mạnh cả về số vụ, số lượng với thủ đoạn của các đối tượng cũng tinh vi hơn và nóng nhất vẫn là các tuyến vận tải biển với khối lượng cực lớn.

Sau 1 năm tích cực điều tra, triệt phá đường dây buôn lậu, pha chế xăng giả, xăng kém chất lượng lớn nhất từ trước đến nay, với gần 200 triệu lít xăng và trị giá ở thời điểm bắt giữ vào khoảng 2.800 tỷ đồng; Công an tỉnh Đồng Nai đã hoàn tất điều tra giai đoạn 1, chuyển Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp đề nghị truy tố 74 bị can về tội buôn lậu và nhận hối lộ.

Xăng dầu từ nước ngoài sẽ rất khó để đi vào Việt Nam nếu không có sự tiếp tay của một bộ phận cán bộ, nhân viên các lực lượng tham gia chống buôn lậu như: cảnh sát biển, biên phòng, hải quan và quản lý thị trường…

Đường đi của xăng dầu lậu

Phan Thanh Hữu và Nguyễn Hữu Tứ là 2 trong số những đối tượng cầm đầu đường dây buôn lậu, pha chế xăng giả quy mô lớn nhất từ trước tới nay bị Công an tỉnh Đồng Nai phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an triệt phá đầu năm 2021.

Buôn lậu xăng dầu và hệ lụy kinh tế - Ảnh 1.

Công an khám xét hai tàu chở dầu của Công ty Vân Trúc (ảnh nhỏ: Ông trùm Phan Thanh Hữu tại cơ quan công an). (Ảnh: PLO)

Phan Thanh Hữu và Nguyễn Hữu Tứ vốn là 2 doanh nhân được gọi là "đại gia" có tiếng trong ngành xăng dầu phía Nam, đã móc nối với nhiều công ty tư nhân, góp vốn thuê tàu biển trọng tải lớn của Đào Ngọc Viễn để chở xăng lậu từ Singapore về Việt Nam tiêu thụ. Chỉ trong vòng 1 năm, 200 triệu lít xăng dầu đã được các đối tượng này thẩm lậu vào nội địa tiêu thụ.

Theo kết luận điều tra, cuối năm 2019, đối tượng Hữu mua 4 tàu thủy Nhật Minh 06, 07, 08, 09 với mục đích dùng để buôn lậu xăng từ Singapore về Việt Nam.

Hữu, Viễn cùng 3 người khác góp gần 54 tỷ đồng để mua xăng. Các bên thỏa thuận, lợi nhuận thu được sẽ chia theo tỷ lệ Hữu 40%, Viễn và những người còn lại 60%. Sau đó, Viễn điều 2 tàu biển chuyên dụng có tổng trọng lượng 8.000 tấn vào cảng tại Singapore để nhận hàng. Khi tàu về tới vùng biển Việt Nam, Hữu chỉ đạo 4 tàu Nhật Minh (06, 07, 08, 09) ra nhận xăng chở về khu vực sông Hậu thuộc tỉnh Vĩnh Long và các tàu Khánh Hòa 1, 3 đưa vào cảng Bắc Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa.

Sau đó, các đối tượng dùng dung môi, hóa chất pha chế thành xăng A95 kém chất lượng. Từ đây các tàu, sà lan tải trọng nhỏ có nhiệm vụ vận chuyển về các kho chứa đã được các đối tượng xây dựng dọc theo các tuyến đường sông lớn ở nhiều tỉnh, thành; cuối cùng cấp cho các xe bồn chở đến các cây xăng để phân phối, tiêu thụ ra thị trường nhiều tỉnh miền Tây và khu vực phía Nam.

Đường dây buôn lậu xăng dầu xuyên biên giới này chỉ bị bóc gỡ khi trước đó trên địa bàn tỉnh Đồng Nai nổi lên tình trạng pha chế xăng giả, buôn bán xăng lậu của một số doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu. Chuyên án 920G được Bộ Công an chỉ đạo Công an tỉnh Đồng Nai xác lập để điều tra.

"Nhóm đối tượng này thực hiện hành vi buôn lậu từ nước ngoài về Việt Nam bằng đường biển, và khi về đến lãnh thổ Việt Nam thì cũng vận chuyển bằng đường sông ở các tỉnh miền Tây Nam Bộ vận chuyển về TP Hồ Chí Minh, Long An để tiêu thụ. Công an Đồng Nai với địa hình, địa vật ở Đồng Nai miền Đông Nam Bộ thì ít sông nước, nhưng phải thực hiện nhiệm vụ trên địa bàn sông nước. Đó là cái khó khăn thứ nhất mà chúng tôi gặp phải. Việc không đủ phương tiện, công cụ để đeo bám các đối tượng, tuy nhiên cũng đã khắc phục được những khó khăn đó", Thiếu tá Võ Thanh Hải, Phó Trưởng phòng Tham mưu, Công an tỉnh Đồng Nai, cho biết.

Trong suốt một năm bám các đối tượng, khớp nối thông tin, với nhiều khó khăn phát sinh trong quá trình xác định mạng lưới, đường dây, đường đi của xăng dầu lậu, cuối cùng đường dây buôn lậu xăng dầu khối lượng lớn này đã lộ diện với nhiều phương thức hợp pháp hóa xăng dầu nhập lậu khá tinh vi.

"Các đối tượng đã sử dụng các hóa đơn khống kèm theo tàu để đi đối phó với các cơ quan chức năng trên đường nếu bị kiểm tra. Các xe bồn đến lấy xăng cũng được cấp phiếu xuất kho để hợp thức hóa cái nguồn hàng đi trên đường. Về đến các cửa hàng bán lẻ xăng dầu, các đối tượng bán trực tiếp cho người tiêu dùng không xuất hóa đơn. Toàn bộ số tiền thu được từ nguồn xăng nhập lậu này các đối tượng bán bằng giá xăng của nhà nước theo từng thời điểm và tiêu thụ ở các cửa hàng, đại lý kinh doanh xăng dầu được nhà nước cấp phép", Thiếu tá Võ Thanh Hải, Phó Trưởng phòng Tham mưu, Công an tỉnh Đồng Nai, cho biết thêm.

Kết thúc điều tra giai đoạn 1, các đối tượng cầm đầu là Phan Thanh Hữu (Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Phan Lê Hoàng Anh), Nguyễn Hữu Tứ (quê Vĩnh Long), Đào Ngọc Viễn (Giám đốc Công ty TNHH Đại Dương Hải Phòng) cùng 70 đồng phạm bị đề nghị truy tố về tội buôn lậu. Ngô Văn Thụy (Đội trưởng Đội 3, Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng Cục Hải quan) bị đề nghị truy tố về tội "Nhận hối lộ". Nhiều đối tượng khác làm việc trong các cơ quan chấp pháp cũng đang bị truy xét trách nhiệm.

Ban Nội chính Trung ương đánh giá đây là vụ án đưa hối lộ, nhận hối lộ, buôn lậu, sản xuất, buôn bán hàng giả, in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước. Chuyên án có tính chất đặc biệt nghiêm trọng vì liên quan đến nhiều cán bộ chấp pháp công tác tại các cơ quan có nhiệm vụ chống buôn lậu, nhưng lại tiếp tay bảo kê cho buôn lậu được Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tiêu cực đưa vào diện theo dõi, chỉ đạo.

Hầu hết các vụ buôn lậu xăng dầu từ nước ngoài vào nội địa bị bắt giữ thời gian qua là bằng đường biển, bởi chỉ bằng phương thức vận chuyển này mới có thể đưa được khối lượng lớn một cách dễ dàng. Việc phát hiện, điều tra các đường dây buôn lậu xăng dầu vào Việt Nam đã khó, nhưng việc triệt phá các ổ nhóm tiêu thụ trong nội địa cũng gian nan không kém.

Giá xăng RON95 hiện nay khoảng 28 .000 - 29.000 đồng /lít. Vậy cứ mỗi lít xăng được buôn lậu trót lọt, các đối tượng sẽ trốn được trên 10.000 đồng tiền thuế, phí các loại. Khoản lợi nhuận quá lớn từ việc buôn bán, tiêu thụ xăng dầu nhập lậu, xăng dầu giả đã khiến một số doanh nghiệp và các "ông trùm buôn lậu xăng lậu" không từ một chiêu trò, thủ đoạn nào để đối phó, mua chuộc các lực lượng tham gia phòng chống buôn lậu…

Từ việc sử dụng những đối tượng có tiền án, tiền sự để tấn công lực lượng chức năng, cho tới việc dùng các khoản tiền cực lớn để mua chuộc chính những cán bộ, chiến sỹ trong các lực lượng trực tiếp đấu tranh phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại. Với những thủ đoạn, hay những "viên kẹo bọc đường" mà chúng giăng ra, nhiều cán bộ, chiến sỹ khoác áo chống buôn lậu đã dễ dàng bị gục ngã.

Chiêu trò của những "ông trùm" xăng dầu lậu

Đầu năm ngoái, Công an tỉnh Đồng Nai tổ chức bắt quả tang tài xế của Công ty TNHH Xăng dầu 55555, đang điều khiển xe bồn vận chuyển xăng không có nguồn gốc về Trạm xăng 55555 trên địa bàn huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai do Nguyễn Thăng Long làm chủ để tiêu thụ. Từ đây, Công an tỉnh đã khám xét khẩn cấp các cửa hàng bán lẻ xăng dầu của đối tượng này.

Cùng thời điểm, Công an tỉnh phối hợp với Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an huy động hơn 500 cảnh sát, chia làm nhiều mũi bất ngờ ập vào ụ nổi giữa sông Hậu, bắt quả tang nhiều người đang pha chế, sang chiết xăng giả qua các tàu để mang đi tiêu thụ.

13 địa điểm khác của đường dây này ở Đồng Nai, TP Hồ Chí Minh, Long An, Vĩnh Long, Cần Thơ, Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đồng loạt bị triệt phá. Nhiều đối tượng liên quan bị bắt giữ. Qua trưng cầu giám định đối với mẫu vật là xăng thu được trong quá trình khám xét, tất cả các mẫu đều làm giả xăng RON A95.

Trong quá trình triệt phá ổ nhóm buôn lậu quy mô lớn này, nhiều chiêu trò đã được các "ông trùm buôn lậu xăng lậu" sử dụng triệt để nhằm che dấu hành vi phạm tội, kể cả việc sẵn sàng gây sát thương các lực lượng chức năng.

"Các đối tượng có sự chuẩn bị rất chu đáo, từ vị trí, phương tiện, các thiết bị hỗ trợ. Các đối tượng cầm đầu của đường dây này đã chuẩn bị một lực lượng rất hùng hậu, rất manh động, đó là những cái đối tượng có tiền án, tiền sự, những đối tượng có hành vi sẵn sàng chống trả, đối phó một cách quyết liệt. Nhiều đồng chí đã bị các đối tượng tấn công trực diện, gây thương tích, dùng các phương tiện giao thông đe dọa sẽ gây ra những vụ tai nạn, có thể gây ra chết người", Đại tá Lê Quang Nhân, Phó Giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai, cho hay.

Cơ quan điều tra đã tạm giữ 2,7 triệu lít xăng, kê biên tạm giữ 16 tàu thủy và nhiều phương tiện tàu, thuyền, sà lan, xe bồn, tạm giữ số tiền trên 200 tỷ đồng, gần 300.000 USD, phong tỏa 30 tài khoản với số tiền gần 100 tỷ đồng, tạm giữ 51 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và nhiều tài sản có giá trị khác tại nhiều tỉnh, thành phố.

Thời điểm bị khám xét, Nguyễn Hữu Tứ - doanh nhân có tiếng ở miền Tây, hay Đào Ngọc Viễn - "đại gia" chuyên cung cấp tàu biển trọng tải lớn đều có khối tài sản khủng từ bất động sản, tàu biển, tàu thủy, sà lan, ô tô, xe bồn, kho bãi, cảng biển, xăng dầu, ước tính lên đến hàng nghìn tỷ đồng mới thấy xăng dầu lậu mang lại cho các đối tượng lợi nhuận vô cùng lớn.

Đường dây được các đối tượng tổ chức rất chặt chẽ, mạng lưới tiêu thụ rộng và chúng cũng sẵn sàng đầu tư xây dựng hoặc thuê mượn những bến cảng, bến thủy của cơ quan nhà nước để thực hiện hành vi phạm tội.

"Đối tượng sử dụng rất nhiều bến cảng, bến thủy nội địa, thậm chí thuê lại các bến thủy, bến cảng của các cơ quan nhà nước để hoạt động. Số lượng tiền, tài sản thu được qua hành vi buôn lậu, làm giả xăng dầu là rất lớn, nên các đối tượng cũng sử dụng cái tiền này để quan hệ, lôi kéo, mua chuộc, thậm chí là cưỡng ép một số cán bộ quản lý nhà nước liên quan đến vấn đề buôn lậu và sản xuất hàng giả, đã hỗ trợ, làm ngơ, bao che, tiếp tay cho các hành vi này", Đại tá Lê Quang Nhân, Phó Giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai, cho biết.

Ngô Văn Thụy - Nguyên Đội trưởng Đội Kiểm soát chống buôn lậu khu vực miền Nam, Cục Điều tra phòng chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan, bị thu giữ 1 thẻ ATM, 10.000 USD và 150 triệu đồng tiền mặt khi khám xét nhà riêng. Thụy đã nhận nhận hối lộ để làm ngơ cho các "ông trùm xăng lậu" thẩm lậu xăng dầu vào nội địa tiêu thụ. Điều đáng nói, Thụy là một cán bộ chống buôn lậu nhưng lại tiếp tay, bảo kê cho buôn lậu xăng dầu.

Xăng dầu là mặt hàng trọng yếu, liên quan đến an ninh năng lượng quốc gia, được quản lý theo diện kinh doanh có điều kiện. Nếu không có cán bộ tha hóa, mờ mắt trước đồng tiền và vật chất, đứng ra bảo kê, tiếp tay thì các ông trùm xăng lậu không thể tung hoành, tiêu thụ xăng dầu lậu dễ dàng, rộng khắp các tỉnh thành. Buôn lậu xăng dầu có lợi nhuận vô cùng lớn, cũng vì thế, nếu không mua chuộc được thì sẽ gây sát thương, cho đến việc dùng tiền, vật chất để mua chuộc các cán bộ chất phác. Các ông trùm xăng lậu đã không từ thủ đoạn, mánh khóe để đạt được mục đích cuối cùng là thẩm lậu xăng dầu vào nội địa tiêu thụ.

Chưa đầy 1 năm, đường dây buôn lậu xăng dầu giả này đã vận chuyển trót lọt 48 chuyến hàng với tổng cộng hơn 198 triệu lít xăng dầu giả có giá tị gần 2.800 tỷ đồng, trong đố 196 triệu lít xăng dầu giả đã được tiêu thụ trong nội địa, thu lợi bất chính hàng trăm tỷ đồng. Hiện Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đồng Nai đang tiếp tục mở rộng điều tra giai đoạn 2 để xử lý triệt để hành vi vi phạm pháp luật của các đối tượng liên quan.

Theo ngành hải quan, năm 2021 cả nước đã nhập trên 5,6 triệu tấn xăng dầu, nhưng chỉ thu được trên 13,5 nghìn tỷ đồng tiền thuế. Tuy nhiên, trong hơn 2 tháng đầu năm nay, tuy mới nhập trên 1,5 triệu tấn, nhưng đã thu được số thuế bằng tới gần một nửa của cả năm 2021. Tăng thu mạnh chủ yếu là do giá xăng dầu tăng cao, nhưng một phần tăng thu trong đó là còn do nhiều vụ việc buôn lậu xăng dầu lớn bị bóc gỡ.

Thất thu ngân sách vì xăng dầu lậu

Tàu Xuân Sơn 05 của Công ty TNHH Xuân Sơn vận chuyển 1 triệu lít xăng với trị giá 30 tỷ đồng, đang neo đậu tại cảng biển Cửa Lò thì bị Công an tỉnh Nghệ An phát hiện, bắt giữ. Toàn bộ số hàng này không có hóa đơn chứng từ và nếu buôn lậu trót lọt, nhà nước sẽ thất thu thuế khoảng gần 10 tỷ đồng. Cũng như nhiều vụ buôn lậu xăng dầu khác, thủ đoạn che giấu tang vật rất khó phát hiện.

Từ đầu năm đến nay, tại vùng biển phía Nam, các lực lượng chức năng cũng đã bắt giữ 6 vụ vận chuyển dầu DO trái phép với khoảng 400.000 lít.

Buôn lậu xăng dầu và hệ lụy kinh tế - Ảnh 2.

Xăng dầu là mặt hàng đặc biệt, quan trọng chiến lược, ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)

Với các khoản thuế chiếm khoảng 32% giá xăng dầu bán lẻ như hiện nay, chỉ tính riêng những vụ buôn lậu trên, nhà nước thất thu gần 1.000 tỷ đồng. Giá xăng dầu nhập lậu chênh lệch với hàng chính thức rất nhiều, gây thiệt hại cho các doanh nghiệp nhập khẩu chính ngạch và kích thích nạn buôn lậu, sản xuất xăng dầu giả.

Xăng dầu nhập lậu còn làm rối loạn cung cầu trong nước, bởi không kiểm soát được số lượng đang lưu thông thực tế trên thị trường. Chẳng hạn năm 2021, sau khi Công an tỉnh Đồng Nai triệt phá đường dây liên tỉnh buôn lậu gần 200 triệu lít xăng dầu, ngay lập tức kim ngạch nhập khẩu qua các cảng xăng dầu lớn nhất của cả nước tại Bà Rịa - Vũng Tàu và TP Hồ Chí Minh giảm mạnh. Cụ thể, nếu năm 2020, khoảng 550.000 tấn xăng dầu được nhập khẩu qua Bà Rịa - Vũng Tàu, năm sau giảm xuống chỉ còn bằng gần một nửa.

Còn tại Chi cục Hải quan Cảng Sài gòn khu vực 3, đến giữa tháng 3 năm nay, xăng nhập khẩu giảm 16%, dầu DO giảm khoảng 42% và dầu FO giảm tới 76% so với cùng kỳ của năm 2021.

Thời gian qua, các đối tượng buôn lậu còn mua chuộc lôi kéo một số ngư dân vào vận chuyển thuê xăng dầu nhập lậu. Điều này không chỉ khiến việc chống buôn lậu xăng dầu càng thêm khó khăn, mà còn gây ảnh hưởng lớn đến trật tự an ninh biển đảo. Điều này càng trầm trọng hơn khi có sự tiếp tay của một bộ phận cán bộ tha hóa, biến chất trong các lực lượng chống buôn lậu.

Thất thu ngân sách do buôn lậu xăng dầu là rất lớn và diễn ra từ hàng chục năm nay, nhưng hiện vẫn chưa có biện pháp ngăn chặn hữu hiệu. Chống buôn lậu xăng dầu cần phải có cách làm mới triệt để hơn, bài bản hơn để mang lại hiệu quả hơn.

Không chỉ ngân sách, người dân, mà ngay cả các doanh nghiệp, đầu mối nhập khẩu, tiêu thụ xăng dầu hợp pháp, làm ăn nghiêm chỉnh cũng bị ảnh hưởng lớn do xăng dầu nhập lậu.

Nghiêm trọng hơn là an ninh năng lượng quốc gia bị ảnh hưởng, nền kinh tế cũng bị ảnh hưởng do cung cầu trên thị trường không thể kiểm soát vì phụ thuộc vào biến động thất thường của xăng dầu nhập lậu.

Ngoài ra, việc nhiều cán bộ, chiến sỹ ở các lực lượng phòng chống buôn lậu bị điều tra, truy tố vì tiếp tay cho buôn lậu xăng dầu cũng đang gây mất niềm tin và ảnh hưởng chung tới hình ảnh của các lực lượng này trên mặt trận chống buôn lậu, gian lận thương mại.

Hệ lụy từ xăng dầu nhập lậu

Gần 200 triệu lít xăng giả tương đương trên 2.800 tỷ đồng vào thời điểm bắt giữ trong chuyên án 920G tại Đồng Nai, đây là một con số khổng lồ. Xăng giả, các chỉ số không đạt chuẩn khi được đưa ra tiêu thụ ngoài thị trường sẽ mang đến nhiều nguy cơ, hiểm họa khôn lường đối với phương tiện và người tham gia giao thông, như giảm tuổi thọ động cơ, thậm chí là cháy nổ xe. Đây cũng là vấn đề được các đại biểu Quốc hội đặc biệt quan tâm trong phiên họp thứ 9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới đây (16/3).

Bộ trưởng Tô Lâm khi trả lời chất vấn cũng đã khẳng định nhiều tác hại của xăng dầu nhập lậu, xăng dầu giả tới kinh tế - xã hội, tới người tiêu dùng.

Buôn lậu xăng dầu và hệ lụy kinh tế - Ảnh 3.

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm phát biểu làm rõ các vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. (Ảnh: TTXVN)

"Buôn lậu rõ ràng ảnh hưởng rất lớn, trốn được thuế, trốn thuế tiêu thụ đặc biệt, trốn thuế môi trường, trốn cả bình ổn, thành ra chênh lệch với hàng chính thức rất nhiều, gây thiệt hại cho sản xuất chính thức, nhập khẩu chính thức. Chênh lệch như vậy càng kích thích các đối tượng buôn lậu, từ sản xuất hàng giả, sản xuất xăng giả, gây ra tình trạng ô tô, xe máy đang đi trên đường tự dưng bị bốc cháy. Vừa rồi đã giải quyết được những cái đó, căn bản đã tháo gỡ được vụ buôn lậu gần đây, nổi nhất là vụ buôn lậu ở Đồng Nai. Hiện nay chúng tôi đã kết thúc điều tra giai đoạn 1 vụ án này, chuẩn bị đưa ra xét xử và tiếp tục mở rộng giai đoạn 2", Bộ trưởng Tô Lâm thông tin.

Tuy nhiên, lớn hơn cả, để xăng lậu, xăng giả tuồn vào nội địa với số lượng lớn như vậy còn gây lũng đoạn thị trường xăng dầu trong nước.

"Đôi khi đôi lúc trên thị trường rộ lên những cái lô chào hàng rất bất thường, không có hóa đơn, giá thì rất xa với giá thực tế. Doanh nghiệp thực tế nếu kinh doanh bình thường thì lợi nhuận không cao, thì rất dễ là một bộ phận tiếp tay cho những mặt hàng trôi nổi. Bởi vì người ta kinh doanh chính đáng thì chỉ được mấy trăm đồng 1 lít, nhưng nếu mua những cái lượng hàng này, không ai kiểm tra kiểm soát thì có thể lên tới 1.000, 1.500, 2.000, thậm chí 3 000 đồng/lít. Rõ ràng cái này rất là khó phát hiện ra", ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, cho biết.

Ở một khía cạnh khác, tình trạng buôn bán xăng dầu lậu, giả, kém chất lượng không chỉ gây ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh xăng dầu hợp pháp của những doanh nghiệp chân chính, gây thất thu ngân sách, mà còn tác động tiêu cực đến việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Bên cạnh những hệ lụy về kinh tế - xã hội, thất thu ngân sách, ai cũng hiểu còn tồn tại nạn xăng dầu nhập lậu nghĩa là sẽ còn những cán bộ quản lý bị tha hóa, biến chất trước cám dỗ của tiền và vật chất. Điều này gây mất niềm tin và hình ảnh của lực lượng chức năng trên mặt trận chống buôn lậu, gian lận thương mại nói chung.

Xăng dầu là mặt hàng có nhiều ngành cùng tham gia quản lý, do đó cần sớm nghiên cứu, xây dựng các quy chế phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng và địa phương để nâng cao trách nhiệm, hiệu quả kiểm tra, xử lý những tiêu cực liên quan đến mặt hàng này.

Tình hình thế giới bất ổn không chỉ khiến giá xăng dầu leo thang, mà còn dẫn đến tình trạng thiếu nguồn cung, đặc biệt ở những quốc gia chưa tự chủ được nguồn cung xăng dầu, phải nhập khẩu từ nước khác.

Còn với Việt Nam, nhờ có 2 nhà máy lọc dầu và Quỹ bình ổn giá, cùng với thực hiện các giải pháp điều hành giá nên giá xăng dầu trong nước thấp hơn so với một số nước lân cận.

Chẳng hạn, giá bán lẻ 1 lít xăng A95 ở Trung Quốc hiện cao hơn Việt Nam khoảng 5.200 đồng/lít, tại Camphuchia cao hơn 4.000 đồng/lít và tại Lào cao hơn 8.300 đồng/lít.

Mức chênh lệch lớn về giá này đã dẫn đến tình trạng gia tăng buôn lậu xăng dầu từ Việt Nam sang các quốc gia lân cận, gây nguy cơ thiếu hụt nguồn cung cụ bộ.

Lợi dụng đường biên giới trải dài trên bộ và trên biển, các đối tượng buôn lậu đã sử dụng nhiều hình thức vận chuyển từ xách tay, dùng phương tiện cá nhân, ô tô, thậm chí cả tàu để xuất lậu xăng dầu. Giống như xăng dầu nhập lậu, lượng xăng dầu bị xuất lậu hiện vẫn chưa được thống kê đầy đủ.

Tuy nhiên, nếu không có những biện pháp kịp thời, việc buôn bán trái phép xăng dầu qua biên giới không chỉ ảnh hưởng đến an ninh xăng dầu trong nước, mà đây còn là một kênh để các đối tượng buôn lậu xăng dầu tăng thêm lợi nhuận do bán được ở thị trường có giá cao hơn Việt Nam.

Xăng dầu là mặt hàng đặc biệt, quan trọng chiến lược, ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng. Mặt hàng này đang được Nhà nước quản lý nguồn nhập khẩu, điều phối giá và dự trữ chiến lược.

Tuy vậy thời gian qua, công tác phòng chống buôn lậu mặt hàng này lại chưa được đặt xứng tầm và chưa mang lại hiệu quả cao. Có thể thấy, cứ mỗi khi giá xăng dầu tăng, các lực lượng chức năng mới đồng loạt ra quân khiến hoạt động chồng chéo thậm chí cản trở lẫn nhau, nhưng sau đó gần như bị bỏ quên hay thiếu tính thường xuyên liên tục trong dài hạn.

Không những vậy, mặt hàng nhạy cảm và có ảnh hưởng lớn này thời gian qua bị đánh đồng như mọi mặt hàng thông thường khác.

Hiện Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia) cũng chưa tổng hợp và bóc tách riêng được số liệu về các vụ việc và khối lượng xăng dầu bị bắt giữ qua từng năm, từng thời điểm nhạy cảm để làm cơ sở phân tích cụ thể, xây dựng phương án phòng chống buôn lậu xăng dầu một cách hiệu quả, bài bản, cũng như tạo sự thống nhất, gắn kết giữa các lực lượng chức năng trong phối hợp phòng chống cho thời gian tới.

Để thấy rõ hơn con đường buôn lậu xăng dầu với khối lượng lớn vào nội địa, cũng như thủ đoạn xuất lậu xăng dầu, khó khăn trong xử lý xăng dầu buôn lậu, mời quý vị theo dõi chương trình Tiêu điểm kinh tế (26/3) qua video trên!

Giảm thuế bảo vệ môi trường, giá xăng dầu giảm ra sao? Giảm thuế bảo vệ môi trường, giá xăng dầu giảm ra sao?

VTV.vn - Việc giảm một nửa thuế bảo vệ môi trường sẽ giúp điều chỉnh giảm giá xăng, dầu trong nước trong thời gian tới.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước