Cải cách sâu sắc toàn diện và thúc đẩy hiện đại hóa kiểu Trung Quốc

Ban Thời sự-Chủ nhật, ngày 21/07/2024 12:44 GMT+7

VTV.vn - Đây là thông điệp được nhấn mạnh tại Phiên họp toàn thể lần thứ 3 Ban Chấp hành Trung ương ĐCS Trung Quốc (Hội nghị Trung ương 3) khóa XX đã được tổ chức tại Bắc Kinh.

Trung Quốc đưa ra hơn 300 biện pháp cải cách sau Hội nghị Trung ương 3

Hội nghị Trung ương 3 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa XX bế mạc, thông qua Quyết định về việc cải cách sâu rộng toàn diện hơn nữa và thúc đẩy hiện đại hóa kiểu Trung Quốc, cùng với đó là hơn 300 biện pháp được đưa ra. Quyết định này được mô tả là một văn kiện mang tính cương lĩnh quan trọng, một chương mới để tiếp tục thúc đẩy cải cách, một sự lựa chọn chủ động và động thái chiến lược để củng cố và phát triển "hai kỳ tích lớn" (gồm kinh tế phát triển tốc độ nhanh và xã hội ổn định lâu dài).

Thứ 5 tuần này, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa XX đã thông qua nghị quyết về cải cách sâu rộng một cách toàn diện để thúc đẩy hiện đại hóa Trung Quốc. Nghị quyết nêu rõ đến năm 2035 sẽ hoàn thành xây dựng nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa tiêu chuẩn cao về mọi mặt, tiếp tục hoàn thiện hệ thống chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc. Có thể khái quát là hiện đại hóa hệ thống và năng lực quản trị; cơ bản thực hiện hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa.

Ông Đường Phương Dụ - Phó Chủ nhiệm Văn phòng Nghiên cứu Chính sách Trung ương Trung Quốc cho biết: "Nghị quyết đã đưa ra hơn 300 biện pháp quan trọng liên quan đến cải cách cơ cấu, cơ chế và hệ thống. Một số cải cách nhằm cải thiện và tăng cường các biện pháp cải cách hiện có, trong khi một số cải cách khác mới được đề xuất dựa trên nhu cầu thực tế và thăm dò thí điểm".

Ông Jameel Ahmad - Nhà phân tích tại GTC Group đánh giá: "Tôi nghĩ rằng trong tương lai, các nhà đầu tư muốn thấy những cải cách hơn nữa, kích thích hơn nữa và họ muốn thấy nền kinh tế Trung Quốc mở cửa hơn nữa".

Cải cách", "phát triển", "hiện đại hóa", "kinh tế", "chủ nghĩa xã hội", "cải cách sâu rộng toàn diện", "nhân dân", "thị trường" và "mở cửa" là những từ và cụm từ được đề cập thường xuyên nhất trong thông cáo.

Trong việc cải thiện quản trị kinh tế vĩ mô, thông cáo kêu gọi cải cách các lĩnh vực tài khóa, thuế, tài chính. Trong xây dựng nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa tiêu chuẩn cao, vai trò của thị trường phải được tận dụng tốt hơn.

Ông Hàn Văn Tú - Phó Chủ nhiệm Văn phòng Tài chính Trung ương Trung Quốc cho biết: "Mở rộng danh mục các ngành khuyến khích đầu tư nước ngoài và rút ngắn danh sách hạn chế tiếp cận đầu tư nước ngoài một cách thích hợp, chúng tôi sẽ mở cửa lĩnh vực dịch vụ, viễn thông, Internet, giáo dục, văn hóa và chăm sóc y tế. Chúng tôi cũng sẽ đẩy nhanh tốc độ phát triển thương mại nước ngoài".

"Quyết tâm của Trung Quốc trong việc mở rộng hơn nữa và tiếp tục mở cửa thị trường là rất truyền cảm hứng. Lập trường tương tự cũng được thể hiện trong lĩnh vực công nghệ vì cũng có sự hợp tác trong lĩnh vực này", ông Peter Kreutzberger - Chủ tịch Liên đoàn các Hiệp hội Hữu nghị Đức - Trung Quốc cho hay.

Thông cáo cũng đề cập đến cải cách trong các lĩnh vực an ninh, quốc phòng, an sinh xã hội, bảo tồn sinh thái và nâng cao sự lãnh đạo của Đảng, đưa ra một thời hạn rõ ràng cho tất cả các mục tiêu cải cách là vào năm 2029 - thời điểm đất nước kỷ niệm 80 năm thành lập. Tất cả những điều này sẽ đặt nền tảng vững chắc cho việc xây dựng Trung Quốc thành một quốc gia xã hội chủ nghĩa hiện đại về mọi mặt vào giữa thế kỷ này.

Cải cách sâu sắc toàn diện và thúc đẩy hiện đại hóa kiểu Trung Quốc - Ảnh 1.

Hội nghị toàn thể lần thứ 3 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa XX đã bế mạc ngày 18/7 sau 4 ngày họp (Ảnh: Xinhua)

Hội nghị Trung ương 3 khóa XX Đảng Cộng sản Trung Quốc lần này đã khẳng định cần tiếp tục duy trì chính sách mở cửa, phát huy hơn nữa vai trò của cơ chế thị trường, tạo môi trường kinh doanh công bằng, có sức sống hơn hơn; đồng thời nhấn mạnh, cần bảo vệ trật tự thị trường, bù đắp những khiếm khuyết của thị trường, qua đó kích thích các động lực nội tại và sức sáng tạo của toàn xã hội.

Theo các chuyên gia, thông điệp về việc tiếp tục đi sâu cải cách toàn diện sẽ có tác động tích cực, bởi việc phát huy tốt hơn vai trò của cơ chế thị trường đồng nghĩa với việc giảm can thiệp hành chính, qua đó mở rộng hơn nữa không gian thị trường cho sự phát triển của doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp tư nhân.

Mục tiêu và thách thức với kinh tế Trung Quốc

Những diễn biến tại Hội nghị Trung ương 3 khóa XX Đảng Cộng sản Trung Quốc tuần vừa rồi được đánh giá là phản ánh rõ 2 vấn đề. Thứ nhất, có tồn tại những thách thức mà nền kinh tế Trung Quốc đang phải đối diện. Thứ hai, giới lãnh đạo nước này kiên định việc hoàn tất tái cơ cấu nền kinh tế, thậm chí cải cách sâu rộng toàn diện để giải quyết nhanh chóng các vấn đề, dù đổi lại có thể sẽ là không ít khó khăn.

Theo kết luận tại Hội nghị Trung ương 3 khóa XX, Trung Quốc sẽ cân bằng giữa mục tiêu tăng trưởng và mục tiêu an ninh quốc gia với một loạt các mục tiêu cải cách tới năm 2029 - thời điểm kỷ niệm 80 năm thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa; mục tiêu tổng quát đến năm 2035 là xây dựng toàn diện thể chế kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa trình độ cao. Mục tiêu ngắn hạn trước mắt là "tích cực mở rộng nhu cầu trong nước", quyết tâm đạt các mục tiêu kinh tế năm nay, trong đó có mục tiêu tăng trưởng khoảng 5%.

Ông Đường Phương Dụ - Phó Chủ nhiệm Văn phòng Nghiên cứu Chính sách Trung ương Trung Quốc cho biết: "Thúc đẩy hiện đại hóa theo kiểu Trung Quốc, cải cách toàn diện hơn nữa, thúc đẩy sự liên kết tốt hơn giữa quan hệ sản xuất và lực lượng sản xuất, kiến trúc thượng tầng và cơ sở kinh tế, quản lý nhà nước và phát triển xã hội. Đây sẽ là những nhiệm vụ không ít thách thức".

Để thực hiện các mục tiêu nêu trên, Trung Quốc tiếp tục đề cao vai trò của thị trường, nhấn mạnh yêu cầu duy trì trật tự thị trường. Đồng thời nhấn mạnh, đẩy nhanh phát triển khoa học và công nghệ - lĩnh vực được xem là có vai trò đặc biệt quan trọng để dịch chuyển nền kinh tế.

Ông Hàn Văn Tú - Phó Chủ nhiệm Văn phòng Tài chính Trung ương Trung Quốc thông tin: "Chúng tôi sẽ tiếp tục nới lỏng hơn nữa việc tiếp cận thị trường, gỡ bỏ mọi hạn chế đối với việc tiếp cận đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực sản xuất càng sớm càng tốt. Cần đẩy nhanh sự phát triển của các ngành công nghiệp mới nổi và các ngành công nghiệp hướng tới tương lai, tăng cường các động lực mới cho tăng trưởng kinh tế".

Các mục tiêu được đặt ra trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc đang gặp nhiều thách thức. Tăng trưởng kinh tế giảm tốc, thị trường bất động sản còn nhiều khó khăn, căng thẳng thương mại và các yếu tố bên ngoài cũng có các tác động nhất định.

"Một số doanh nghiệp gặp khó khăn trong hoạt động kinh doanh, một số địa phương gặp khó khăn về tài chính. Điều này cho thấy sự phục hồi kinh tế của chúng ta vẫn chưa đủ mạnh, có hiện tượng phân hóa giữa các vùng, ngành và doanh nghiệp. Do những thay đổi trong môi trường quốc tế và các yếu tố khác, gần đây đã có sự suy giảm trong việc sử dụng vốn nước ngoài. Đây là hiện tượng tạm thời. Với sự cải thiện liên tục của môi trường kinh doanh và sự gia tăng các cơ hội thị trường, việc sử dụng vốn nước ngoài sẽ hiệu quả hơn", ông Hàn Văn Tú - Phó Chủ nhiệm Văn phòng Tài chính Trung ương Trung Quốc tin tưởng.

Theo các chuyên gia, Hội nghị Trung ương 3 khóa XX đã cho thấy sự quyết liệt nhưng kiên nhẫn của Trung Quốc khi đang bước vào "vùng nước sóng lớn" về kinh tế, Trung Quốc sẽ thực hiện các bước đi một cách thận trọng để thực hiện các mục tiêu kinh tế, trong bối cảnh xuất hiện ngày càng nhiều các rủi ro.

Cải cách sâu sắc toàn diện và thúc đẩy hiện đại hóa kiểu Trung Quốc - Ảnh 2.

Trung Quốc sẽ thực hiện các bước đi một cách thận trọng để thực hiện các mục tiêu kinh tế, trong bối cảnh xuất hiện ngày càng nhiều các rủi ro. Ảnh minh họa - Ảnh: Ảnh: Xinhua.

Những mục tiêu tại Hội nghị Trung ương 3 khóa XX Đảng Cộng sản Trung Quốc lần này, có thể coi là sự tiếp nối công cuộc cải cách đã đề ra tại Hội nghị Trung ương 3 khóa XVIII năm 2013, đồng thời cụ thể hóa các mục tiêu đã đề ra từ Đại hội XX Cộng sản Trung Quốc đến nay. Tuy nhiên, qua hơn 10 năm triển khai, quá trình cải cách toàn diện của Trung Quốc đã đi vào "vùng nước sâu" và đứng trước không ít khó khăn thách thức.

Trước hết phải kể đến môi trường bên ngoài diễn biến phức tạp trong bối cảnh thế giới đang bước vào cuộc cách mạng khoa học công nghệ lần thứ 4, cạnh tranh nước lớn gay gắt, căng thẳng thương mại thường xuyên bùng phát… Đồng thời, Trung Quốc cần khắc phục những khó khăn nội tại trong quá trình chuyển đổi nền kinh tế, các mâu thuẫn xã hội mới và nguyện vọng của người dân về một cuộc sống tốt đẹp hơn ngày càng gia tăng.

Theo các chuyên gia, trong bối cảnh hiện nay, việc tiếp tục thúc đẩy cải cách trên cơ sở khoa học, chú trọng điều tiết hệ thống, tập trung giải quyết những khó khăn thách thức trọng điểm… sẽ là động lực căn bản thúc đẩy công cuộc hiện đại hóa kiểu Trung Quốc trong thời gian tới.

Thông cáo Hội nghị Trung ương 3 khóa XX Đảng Cộng sản Trung Quốc đã đưa ra một thời hạn rõ ràng cho tất cả những cải cách là vào năm 2029. Đây được đánh giá là điều rất mới so với các Hội nghị Trung ương 3 trước đây, khi có một mốc mục tiêu thời hạn cụ thể. Điều này được cho là thể hiện rõ sự quyết tâm của giới lãnh đạo Trung Quốc trong vấn đề cải cách nền kinh tế thời gian tới.

World Bank nâng dự báo triển vọng kinh tế Trung Quốc World Bank nâng dự báo triển vọng kinh tế Trung Quốc

VTV.vn - World Bank đã nâng dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc trong cả năm lên mức 4,8%, so với 4,5% trong báo cáo hồi đầu năm.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước