Nhà máy đầu tiên có công suất 10.000 mét khối một ngày xử lý toàn bộ cho các doanh nghiệp tại khu công nghiệp Sóng Thần 2, Bình Dương
Đó là tâm sự của ông Huỳnh Uy Dũng, CEO Công ty CP Huỳnh Hằng Hữu, người gắn liền với khu du lịch Đại Nam khi nói về ý tưởng xây dựng một nhà máy xử lý nước thải tập trung trong khu công nghiệp.
"Tôi đang ăn cơm, bỗng có một cái giấy thông báo từ Sở Tài Nguyên - Môi trường tỉnh Bình Dương cảnh báo nước thải tại hai khu công nghiệp của tôi bị đục. Tôi giật mình vì lâu nay giao cho công ty đối tác và hoàn toàn an tâm. Ngay lập tức tôi xuống đó kiểm tra tình hình và kể từ đây, tôi nhận ra mình có một sứ mệnh mới. Đó là nghiên cứu xử lý nước thải cho khu công nghiệp của mình bằng công nghệ Việt Nam, do chính mình nghiên cứu và làm ra. Nó sẽ là khởi nguồn cho việc xử lý toàn bộ các khu công nghiệp ở Việt Nam, cũng như giúp tiết kiệm nguồn nước khi có thể tái sử dụng làm nước sinh hoạt" - ông Huỳnh Uy Dũng chia sẻ cụ thể hơn khi dẫn chúng tôi đi tham quan một vòng nhà máy xử lý nước thải tập trung cho toàn bộ khu công nghiệp Sóng Thần 2 tại Bình Dương.
Ông Huỳnh Uy Dũng trao đổi với phóng viên.
Đây là nhà máy xử lý nước thải đầu tiên với 5 cam kết gồm:
- Không có nước thải xả ra môi trường.
- Nước được xử lý để tái phục vụ nhu cầu sản xuất của doanh nghiệp trong khu công nghiệp.
- Không hạn chế mức độ ô nhiễm và lưu lượng xả thải từ nhà máy để tạo điều kiện cho doanh nghiệp sản xuất.
- Các doanh nghiệp trong khu công nghiệp không cần xây dựng nhà máy xử lý nước thải cục bộ.
- Công ty Cổ phần Xử lý nước thải Hằng Hữu Huỳnh chịu trách nhiệm trước pháp luật về vấn đề xử lý nước thải.
Nhà máy đầu tiên có diện tích 18.000 mét vuông. Nơi mà nước thải các nhà máy trong khu công nghiệp sẽ đổ dồn hết về đây để được xử lý.
Nhà máy xử lý nước thải này sẽ được trang hoàng như một công viên, thân thiện môi trường.
Vi sinh trong khu xử lý cũng là một vi sinh đặc biệt của Việt Nam.
Ông Dũng chia sẻ tiếp: "Tôi là người đầu tiên phát triển khu công nghiệp và giờ sứ mệnh của tôi cũng sẽ là người đầu tiên xử lý nước thải khu công nghiệp. Tôi không đặt lợi ích kinh tế mà vì một môi trường xanh, thân thiện như nó vốn có trước đây. Tôi cũng sẽ trích 30% giá trị kinh tế từ xử lý nước thải để mổ tim cho khoảng 15.000 trẻ em nghèo trên khắp cả nước".
Sau nhà máy đầu tiên, ông Huỳnh Uy Dũng cho biết, sẽ xây tiếp 100 nhà máy xử lý nước thải với công nghệ tương tự trên khắp Việt Nam. Ông cũng khằng định, chi phí xử lý nước thải với công nghệ mới này cũng sẽ thấp hơn 15% so với hiện nay các doanh nghiệp đang làm. Đây sẽ là tiền đề giúp cho việc phát triển hệ thống xử lý nước thải ở các khu công nghiệp trở nên dễ dàng và thuận lợi hơn, vì một nền kinh tế xanh và một tương lai xanh cho các thế hệ sau này.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!