Cần cơ chế đấu thầu cho biệt dược gốc hết hạn bản quyền

Ban Thời sự-Thứ sáu, ngày 26/06/2020 06:26 GMT+7

VTV.vn - BHXH Việt Nam cho rằng, khi trên thị trường xuất hiện thêm nhiều loại thuốc có cùng tác dụng với biệt dược gốc, có giá thấp hơn, cần gom chung vào để đấu thầu.

Hơn 30% chi phí thuốc thang của người Việt hiện nay dùng để chi trả cho các loại biệt dược gốc (các loại thuốc phát minh có bản quyền). Đây là những loại thuốc đã được sản xuất từ lâu, vì có bản quyền nên rất đắt đỏ. 

Theo quy định quốc tế, thuốc phát minh nào cũng chỉ có bản quyền 20 năm, sau đó công thức sản xuất phải được chuyển giao cho thế giới để sử dụng rộng rãi, vì vậy đã có nhiều loại tương đương được sản xuất. Việt Nam có 150 loại thuốc phát minh như vậy đã hết hạn bản quyền từ lâu, đồng thời đã có nhiều loại tương đương, giá rẻ hơn rất nhiều lần. Tuy nhiên vì nhiều lý do, tỷ lệ dùng biệt dược gốc (thuốc phát minh) vẫn còn rất cao.

Biệt dược gốc chiếm tỷ lệ cao trên thị trường

Hiện có 22.000 loại thuốc, trong đó có 755 thuốc phát minh đang lưu hành trên thị trường, 150 loại đã hết thời hạn bản quyền. Giá các loại thuốc này cao gấp 4 - 18 lần và trung bình là từ 7 - 8 lần so với thế giới.

Cần cơ chế đấu thầu cho biệt dược gốc hết hạn bản quyền - Ảnh 1.

Tỷ lệ dùng biệt dược gốc (thuốc phát minh) vẫn còn rất cao. (Ảnh minh họa: VGP)

Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, năm 2019, tỷ lệ sử dụng dùng thuốc phát minh tại TP.HCM là 44,5%; Hà Nội là 38,9%. 33 địa phương dưới 10% chủ yếu là các tỉnh miền núi phía Bắc và Đồng bằng sông Cửu Long.

Tính riêng trên địa bàn Hà Nội, nếu so sánh chi phí sử dụng thuốc phát minh và thuốc tương đương phát minh, số tiền chênh là gần 278 tỷ đồng.

Thực tế, thuốc là mặt hàng không mấy ai mặc cả, nhất là khi có bệnh vái tứ phương, thuốc đắt mấy cũng mua, vậy nên vai trò điều tiết, giám sát của nhà nước rất quan trọng. Mấy năm qua, Bộ Y tế đã triển khai lộ trình đấu thầu thuốc, khiến cho giá thuốc ở Việt Nam từ chỗ cao nhất đã xuống thấp nhất ASEAN, nhưng riêng thuốc điều trị ung thư, trong đó tỷ lệ không nhỏ dùng thuốc phát minh lại cao hơn. Trong bức tranh khởi sắc của thị trường dược, mảng thuốc biệt dược gốc (thuốc phát minh) vẫn còn nhiều điều đáng bàn.

Lạm dụng thuốc phát minh - Gánh nặng ngân sách

Hiện thuốc bảo hiểm y tế chiếm từ 45% - 49% tiền bảo hiểm y tế, trong đó thuốc phát minh khoảng 26,5%. Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, danh mục thuốc bảo hiểm y tế có 149 thuốc phát minh, trong đó có 35 loại thuốc là các loại thuốc tiêm truyền, thuốc cấp cứu, thuốc gây tê, gây mê, thuốc chống nấm dạng viên có tác dụng toàn thân là rất cần thiết, không thể thay thế trong công tác khám bệnh. 115 loại còn lại đã có thuốc tương đương thuốc phát minh hoàn toàn có thể thay thế.

Chỉ tính riêng 6 loại thuốc điều trị ung thư là thuốc phát minh đã có thuốc tương đương thay thế, nếu được đưa vào đấu thầu rộng rãi thì có thể tiết kiệm được khoảng 366 tỷ đồng.

Cần đấu thầu thuốc phát minh hết hạn bản quyền

Bên cạnh việc thay đổi nhận thức, làm sao hạ giá các thuốc phát minh đã hết hạn bản quyền cũng là điều quan trọng, vì đó là thông lệ quốc tế hài hòa lợi ích của doanh nghiệp và người dân. Muốn hạ giá có 2 cách: hoặc đấu thầu, hoặc đàm phán giá.

Cần cơ chế đấu thầu cho biệt dược gốc hết hạn bản quyền - Ảnh 2.

Trong bức tranh khởi sắc của thị trường dược, mảng thuốc biệt dược gốc vẫn còn nhiều điều đáng bàn. (Ảnh minh họa: Dân trí)

Đại diện Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho rằng, khi trên thị trường đã xuất hiện thêm nhiều loại thuốc có cùng tác dụng (generic), có giá thấp hơn nhiều lần thì phải gom chung vào để đấu thầu cạnh tranh với nhau, tránh tình trạng biệt dược gốc "một mình một sân" và độc quyền giá.

Chính phủ chỉ đạo, trong trường hợp biệt dược gốc nào chưa đủ điều kiện đấu thấu với generic thì buộc phải đàm phán giá với nhà cung cấp, không được để đấu thầu riêng.

Gần 40% thuốc điều trị ung thư, 60% thuốc điều trị tim mạch hiện nay tại Việt Nam hoàn toàn có thể thay thế bằng loại tương đương mà giá thấp hơn cả chục lần, đồng nghĩa với hàng trăm tỷ đồng có thể tiết kiệm cho ngân sách nhà nước. Vậy tại sao nhiều loại thuốc giá trên trời vẫn được sử dụng? Cơ hội nào để giảm gánh nặng chi phí cho bệnh nhân, đặc biệt là những bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo? Chương trình Vấn đề hôm nay ngày 25/6 sẽ phần nào giải đáp những câu hỏi này.

Lãng phí hàng nghìn tỷ đồng vì thuốc biệt dược gốc “neo” giá cao Lãng phí hàng nghìn tỷ đồng vì thuốc biệt dược gốc “neo” giá cao

VTV.vn - Theo các chuyên gia, nếu biệt dược gốc vẫn đấu thầu riêng và giá tiếp tục "neo" ở mức cao thì gánh nặng chi phí chữa bệnh lại càng đè lên vai người dân.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước